Theo người xưa kể lại trước đây làng có 6 thôn. Năm 1844 mang tên là làng Bình Hưng. Năm 1852 đổi là làng Bình Thủy. Đầu thế kỷ 20, làng lại đổi tên thành Long Tuyền với ngụ ý minh hoạ đất thiêng này có hình con rồng, bởi địa hình có sông Bình Thủy nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm, vàm sông Bình Thủy miệng rộng há toác ra ngậm trái châu là đất Cồn Linh. Bốn rạch tỏa ra như bốn chân rồng. Đoạn đuôi thon thon nằm vắt tận cuối làng.
Tương truyền năm 1852, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên một chiếc hải thuyền, khi gần đến Cồn Linh gặp phải một trận cuồng phong lớn khiến mọi người hoảng sợ. Nhưng nhờ ẩn nấp kịp nơi vàm rạch Bình Thủy nên vô sự. Thoát nạn, Huỳnh Mẫn Đạt cho tổ chức tiệc mừng để vui cùng nhân dân địa phương và cho đổi lại tên rạch và tên đất này là Bình Thủy.
Làng cổ Long Tuyền được xem là nơi địa linh nhân kiệt bởi sinh ra nhân tài đất Việt như: Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807- 1872), một trong bốn rồng vàng đất Đồng Nai. Sự nghiệp thi ca của ông chứa chan lòng yêu xứ sở và chí khí chống ngoại xâm, độc đáo hơn hết là sự cống hiến quý giá của ông đã cải biên nghệ thuật tuồng cung đình đương thời thành tuồng của dân gian, của dân miệt vườn lam lũ, giàu tình nghĩa, khẳng khái đấu tranh cho chính nghĩa.
Vở tuồng "Kim Thạch kỳ duyên” của ông được liệt vào hàng các vở tuồng cổ nhất nước ta, hấp dẫn bao thế hệ cả nước và cũng là vở tuồng đầu tiên dịch ra tiếng Pháp. Khu mộ ông thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ và đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích Lưu niệm danh nhân vào ngày 25/1/1994.
Làng cổ Long Tuyền nay đã phân chia thành nhiều đơn vị hành chính như: phường Bùi Hữu Nghĩa, An Thới, Bình Thuỷ, Long Hoà, Long Tuyền...
Dù đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời và chiến tranh tàn phá, nhưng vẫn giữ được nét chân chất mà thanh tao, giản đơn nhưng sâu lắng bởi cảnh sông nước hữu tình, lòng người mến khách. Làng cổ này còn có đến 6 di tích cấp quốc gia như: Đình Bình Thủy (tức Long Tuyền cổ miếu) được xây từ năm 1844, nay mới được trùng tu.
Chùa Nam Nhã từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Để và sau này là nhà cách mạng Ngô Gia Tự. Từ năm 1907 đến 1940 đây là trụ sở chính của phong trào Đông Du, là nơi hội họp, hoạt động chỉ đạo chống Pháp. Năm 1991, chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Long Quang cổ tự có từ thời Vua Minh Mạng thứ 5 (1825).
Long Quang cổ tự tính đến nay đã trải qua 180 năm, là công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo. Bên trong nội thất có hệ thống tượng Phật bằng gỗ được chạm trổ rất độc đáo. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa còn là điểm liên lạc của nhiều cán bộ hoạt động ở vùng ven và ngoại thành Cần Thơ. Ngày 21/6/1993, Bộ Văn hoá đã ra Quyết định công nhận chùa Long Quang là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Chùa Hội Linh từng một thời nuôi chứa cơ sở hoạt động cách mạng, trở thành địa chỉ đỏ được công nhận di tích lịch sử văn hoá năm 1993. Chùa được xây dựng năm 1907, nét độc đáo của chùa là sự lưu giữ, bố trí khá nhiều hiện vật cổ rất có giá trị giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Chùa Hội Linh còn là địa chỉ tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện. Đây còn làm điểm để sinh hoạt giáo dục truyền thống cách mạng cho rất nhiều thanh thiếu nhi tại địa phương.
Làng cổ Long Tuyền hiện còn lưu giữ khá nhiều ngôi nhà cổ, nhiều nhất là phường Bình Thuỷ. Độc đáo hơn cả là ngôi nhà cổ họ Dương, người dân hay gọi là nhà cổ vườn lan Bình Thủy. Ngôi nhà được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870 bằng gỗ, lợp ngói, gồm 5 gian. Tất cả hương án, khán thờ, liễn đối đều bằng gỗ khảm xà cừ, các tủ chè, sập gụ, trường kỷ đều được đóng bằng các loại gỗ quý như lim, căm xe...
Những nét chạm khắc tinh tế theo chủ đề sinh hoạt sông nước miền Tây Nam bộ trên các đồ gỗ nội thất này qua bàn tay của các nghệ nhân đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam đã trở nên sống động và hấp dẫn. Nhà cổ dòng họ Dương là một trong những ngôi nhà cổ nhất ở Nam Bộ còn lại tương đối nguyên vẹn.
Về làng cổ thấy thương thương những cái tên nôm na, dân dã như rạch: Bà Bộ, Ông Vựa, Bà Chủ Kiểu, Miễu Ông, rạch Cam, Chanh, Chuối... Theo hương lộ 28 (lộ Sóng Lươn), qua chợ Miễu Ông có Miếu Ông Hổ.
Người dân nơi đây rất tường tận giai thoại về hai "ông Hổ” tranh giành lãnh địa, cả hai đánh nhau đến chết! Hiện trong miếu có bức tranh vẽ "hai ông” đang chiến đấu với nét vẽ dân gian, chân phương sinh động.
Làng cổ Long Tuyền bao năm tồn tại giữa bom đạn chiến tranh, hình thành nên huyền thoại Lộ Vòng Cung rực lửa, một căn cứ Vườn Mận anh hùng đang giang tay nối liền với chợ nổi Phong Điền, Cái Răng, khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, tạo thành tuyến du lịch hấp dẫn, đặc trưng cho miệt vườn sông nước, cuốn hút khách du lịch muôn phương bởi cái hồn cổ vẫn quanh quẩn đâu đây ẩn chìm trong nhịp sống mới đang hối hả sinh sôi trên vùng đất thiêng với nhiều điều kỳ diệu.
- Theo Theo Đại Đoàn Kết
No comments:
Post a Comment