Vài chục năm trước, núi Kéc (Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang) rất hoang vu, chỉ có mấy lối mòn của cư dân địa phương lên núi làm rẫy, trồng vài loại cây ăn trái. Nhưng từ nhiều năm nay, núi Kéc đã trở thành điểm du lịch, thu hút khá đông du khách, nhất là bà con phật tử hành hương.
Núi Két cao 225 mét, dài và rộng trên 1.100 mét; được gọi tên như vậy vì trên đỉnh núi có mỏm đá lớn giống đầu con chim kéc, mà người địa phương cung kính gọi là “Mỏ Ông Két”.
Núi có những triền dốc khá cao, lội bộ lên núi sẽ khá vất vả; lại nhằm mùa nắng nóng tiết trời cuối tháng Hai âm lịch, trời xanh không một gợn mây, không một ngọn gió mát. Chúng tôi dậy sớm để lên núi, khi tiết trời còn mát mẻ. Hì hụi leo từng bậc đá tự nhiên, bám ngón chân vào mấy rễ cây ngoằn ngoèo, vậy mà đôi lúc chúng tôi cũng suýt bị trôi tuột xuống... núi vì những chiếc lá khô làm trượt chân.
Phải ngừng để thở dọc đường mấy bận, chúng tôi mới lên đến điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi. Đây là một điện nhỏ xây gạch, có sân tráng xi măng. Ngồi nghỉ mệt trên một chiếc băng xi măng, trong bóng cây bồ đề, chúng tôi khoan khoái thở từng hồi. Dù không có gió nhưng không khí trên lưng chừng núi nầy cũng dịu mát giúp chúng tôi tiêu tan phần nào nhọc mệt.
Núi Két có đến 20 điểm tham quan, toàn là những điểm mang đậm màu sắc tâm linh, gồm: Mỏ Ông Kéc, điện Chư Vị, Mẹ Quan Âm Nam Hải, điện Phật Vương, giếng Tiên, điện Chư Thần Trăm Quan Cựu Thần, sân Tiên, điện Phật Thầy Tây An, điện Phật A Di Đà, điện Ngọc Hoàng, điện Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, điện Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, điện Diêu Trì, điện Huỳnh Long, điện Địa Tạng Vương, hang Cụ Cử Đa, điện Ngũ Hành, điện Ba Cô… Tất cả đều được xây dựng bằng gạch đá, sơn phết nhiều màu.
Người ta nói núi Két có nhiều hang động, nên xưa kia đã có 2 vị Phật về đây và 12 vị đến đây tu hành đắc đạo. Chính điều nầy đã thu hút đông phật tử đến núi chiêm bái, tham quan. Đến đây rồi, chúng tôi mới biết núi Kéc chứa nhiều huyền thoại kỳ thú của một thời “Thất Sơn mầu nhiệm”...
Điện Huỳnh Long là một tảng đá khổng lồ, cạnh bên là khoảnh sân rộng. Theo truyền thuyết, đây là nơi Phật Thầy Tây An cùng môn đệ tĩnh tọa. Mấy tín đồ đứng cạnh chúng tôi trầm trồ khen: “Đẹp mê hồn, không khí thanh sạch như tiên cảnh”. Họ còn nói, đêm qua đứng tại đây nhìn xuống thấy đèn phố chợ Nhà Bàn sáng như sao sa, đẹp vô cùng.
Đi một đỗi là gặp điện U Minh, nơi có tượng Thanh Xà Bạch Xà và cầu Nại Hà với Ngưu Đầu Mã Diện mặt mày dữ tợn, cầm đao thương hành hạ tội nhân oằn oại khổ đau, tất cả được sơn phết màu mè dân dã. Trên vách đá hang có nhiều mảng rêu tuy héo hon vàng vọt nhưng lại quyến rũ một cách lạ kỳ. Điện Phật Mẫu gần đó thờ Phật Bà và Diêu Trì Thánh Mẫu. Chun vô hang, nơi bìa vách núi, qua một khe hở lớn thấy ngọn Tà Lơn nổi tiếng ở bên nước bạn Campuchia mờ xa trong màu nắng sớm. Núi Tà Lơn là nơi Đức Phật Tròn tu tập.
Trên nền điện Phật Mẫu có một miệng hang vừa một người qua lọt, được đậy tôn, khóa cẩn thận. Đây là hang Cử Đa từng ở tu luyện. Hang sâu nên còn gọi là hang Tối. Thế nhưng, theo một số người, người có cơ duyên xuống dưới hang sẽ được thưởng lãm cảnh đẹp như tiên bồng. Theo tìm hiểu, Cử Đa tên thật là Nguyễn Đa, thi đỗ cử nhân võ nên người đời gọi là Cử Đa. Lúc mới đến Thất Sơn, nhiều người nghe tiếng nói của cụ mang âm hưởng miền Trung, nên gọi là Thầy Huế. Người ta tìm hiểu, cho rằng cụ quê ở làng Phù Cát (có nơi ghi là Phù Lạc), huyện Bình Khê, tỉnh Qui Nhơn. Nhưng theo tài liệu khác thì Cử Đa đã từng nói quê cụ ở Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho, Tiền Giang), chống Tây rồi thất bại đi tu, lấy hiệu Ngọc Thanh.
Trưa nắng chang chang. Đá núi tỏa hơi nóng. Nhưng lạ một điều là cây cối trên đỉnh cao nầy vẫn xanh rì một màu lá. Không có gió, vẫn mát. Có điều đi lên trên đỉnh, nơi có sân Tiên thì khá... oải! Nhưng sự hấp dẫn của cái tên gọi sân Tiên và giếng Tiên đã khiến chúng tôi cố gắng “vượt lên chính mình”. Phải mệt nhọc lắm, chúng tôi mới đến được cái tảng đá dài và rộng khoảng 200 mét vuông, nằm một nơi khá cheo leo, được gọi là sân Tiên. Theo truyền thuyết, đây là nơi đức Huỳnh giáo chủ và đức Phật Thầy Tây An hội kiến với chư tiên.
Theo một tài liệu của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì Đức Phật Thầy Tây An sinh vào giờ Ngọ, ngày rằm tháng Mười năm Đinh Mão (1807), chánh quán làng Tòng Sơn, nay là xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tên họ của ngài là Đoàn Văn Huyên (có nơi ghi Đoàn Minh Huyên). Ngài đã vân du nhiều nơi, chữa dứt nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho bá tánh. Ngài lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, với 4 ân: Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào và nhân loại. Cho nên sau này người ta gọi những người tu theo lối của ngài là đạo Hiếu Nghĩa. Hiện mộ ngài tọa lạc phía sau Tây An Cổ Tự bên chân núi Sam.
Loanh quanh qua những tảng đá to tròn và dài với cầu thang được bao bọc bởi hàng rào sắt chúng tôi lần đến giếng Tiên. Giếng khá sâu trong lòng một tảng đá to. Ở trên cao chót vót đỉnh núi Kéc, vậy mà trong giếng vẫn lấp lánh nước trong ánh mặt trời. Giếng lúc nào cũng có nước trong, mát và ngọt nên được nhiều người múc đem về nhà uống dần.
Trên núi có nhiều cầu bắc qua khe. Cầu nào cũng đẹp. Qua một chiếc cầu vồng là một dãy nhà rộng rãi. Đây là nơi trú ngụ qua đêm của khách hành hương, cũng là nơi bán cơm chay và nước giải khát. Trong bóng mát của những cây xoài, vú sữa, ngồi trên chiếc băng bên bàn trà bằng đá mài, chúng tôi thoải mái ngay với chiếc khăn lạnh lau mặt cùng chai nước khoáng lạnh ngắt.
Nghỉ khỏe, chúng tôi bắt đầu xuống núi. Đường đi vẫn vậy nhưng không vất vả mấy nhờ có nhánh cây làm gậy. Những người chung đường thường lên đây hành hương cho biết, trên núi Kéc có một số động vật hoang dã như rắn, gà rừng, sóc… và nhiều nhất là khỉ.
- Theo Phương Kiều (Thoibaokinhtesiagon)
No comments:
Post a Comment