Nói đến Cô Tô, tôi vẫn thường mường tượng thấy hình ảnh về một hòn đảo nhỏ, một trong những hòn đảo xa đất liền nhất trong Vịnh Bắc Bộ, nằm chơi vơi giữa bốn bề sóng nước mênh mông. Địa danh ấy, tôi đã nhiều lần dò tìm trên bản đồ hành chính, đã từng ước ao được đến thăm dẫu chỉ một lần. Và hôm nay, cơ may ấy đã đến...
Chúng tôi ra với Cô Tô vào một ngày mùa hè trời yên biển lặng. Chuyến tàu cao tốc rời cảng Vân Đồn lúc 13h30’. Nắng giữa trưa chói nhưng không gắt. Gió biển mát rượi, mặn mòi. Con tàu lướt êm trên mặt nước trong veo soi bóng vô số những mỏm núi đá lô nhô trong vịnh. Sau cuộc hành trình hai tiếng đồng hồ, vượt qua những con sóng lừng nơi Cửa Đối, vịn vào những khối bê tông vững chắc của cầu tàu, tôi đã thực sự đặt chân lên đất Cô Tô.
Khác hẳn với những gì tôi từng tưởng tượng, thị trấn Cô Tô cũng sầm uất và đông đúc chẳng khác gì một thị trấn nơi đất liền. Cũng những dãy phố dọc ngang với đường bê tông trải dài sạch sẽ. Cũng những căn nhà san sát kiên cố, khang trang. Đây đó đã mọc lên vài khách sạn cao tầng theo lối kiến trúc hiện đại. Có khác chăng chỉ bởi khung cảnh ấy được đặt sát bờ biển, nơi những con sóng của vịnh Bắc Bộ quanh năm ào ạt vỗ trắng bờ. Bằng sự hồ hởi và những cái nắm tay thân tình, các đồng chí lãnh đạo huyện Cô Tô đã tạo cho chúng tôi những ấn tượng đầu tiên khó quên về một cuộc đón tiếp thật cởi mở, giống như cái cảm giác nồng ấm của một người thân khi trở về nhà hơn là cảm giác bỡ ngỡ của những vị khách lần đầu tiên ra thăm đảo.
Và cũng khác hẳn với những gì tôi từng biết, Cô Tô chỉ là tên riêng của 2 hòn đảo (Cô Tô lớn và Cô Tô con). Trên thực tế, huyện đảo Cô Tô gồm hệ thống quần đảo Cô Tô - Thanh Lân với khoảng 50 hòn đảo lớn nhỏ, những hòn đảo đều đã được đặt tên: Này đảo Trần, cồn Con Ngựa, cồn Gạc Hươu, cồn Tai Khỉ; đây hòn Bắc Đẩu, hòn Bầu Rượu, hòn Chòi Canh; kia đá Thiên Môn, đá Ngầm Sâu, đá Sư Tử... Đó là những cái tên thuần Việt, gắn với sinh hoạt thường ngày của nhân dân và phần nào nói lên hình dáng đặc trưng của từng hòn đảo nơi này. Chúng nằm dàn trải, cong cong theo hình cánh cung, cách đất liền hơn 60km, gần đường hàng hải quốc tế. Bởi vậy, có thể ví quần đảo Cô Tô như một bức thành vững chãi trấn giữ phía biển Đông Bắc của Tổ quốc mà tạo hoá đã ưu ái ban cho chúng ta.
Ngược dòng lịch sử, Cô Tô, với tên cổ là Núi Chàng, từ lâu đời đã là nơi cư trú của thuyền bè ngư dân vùng Đông Bắc. Nơi này thực sự đông cư dân sinh sống từ năm 1832, khi Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) đã xin triều đình nhà Nguyễn cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Trải qua thời Pháp thuộc, qua nhiều lần tách nhập vào các huyện của tỉnh Quảng Ninh, đến năm 1994, huyện Cô Tô được thành lập. Khi thành lập, toàn huyện chỉ có 2.050 người, đến nay con số này đã tăng lên gần 6.000 người, gồm 5 dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Mường, Tày, Hoa.
Trải qua 18 năm phát triển từ khi thành lập huyện riêng, tình hình kinh tế, chính trị đến nay cơ bản ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện: 10 trường học các cấp từ mầm non đến THPT, trong đó có 6 trường đã đạt chuẩn quốc gia; tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn là 98,94%, tỉ lệ học sinh hoàn thành phổ cập đúng độ tuổi đạt 100% từ năm 2005 và vẫn đang được giữ vững; 100% xã, thị trấn có Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 12/12 phân khu có nhà văn hoá được trang bị đầy đủ; thu ngân sách năm 2011 tính đến tháng 6 đã đạt 293% so với chỉ tiêu được tỉnh giao... Và còn nhiều những con số ấn tượng khác. Đó quả là những con số biết nói: Nó là một minh chứng thuyết phục nhất cho sự quyết tâm nỗ lực vươn lên không ngừng của lãnh đạo và nhân dân toàn huyện Cô Tô.
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là tất cả những điều này được các đồng chí lãnh đạo huyện thông tin mà không cần nhìn vào văn bản, dường như các anh đã thuộc nằm lòng tất cả những số liệu qua từng năm. Khi tôi tỏ vẻ thán phục về trí nhớ của các anh, tôi lại bắt gặp một bất ngờ thú vị: Hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đều được cử ra công tác tại huyện đảo từ những ngày đầu tiên thành lập đến tận bây giờ. Mười bảy năm liên tục gắn bó với nơi đây (và có lẽ sẽ còn nhiều năm tiếp nữa), mỗi sự đổi thay, mỗi bước chuyển mình, mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ đều đã trở thành một phần máu thịt của các anh rồi.
Ngày đầu tiên tách huyện, khó khăn chồng chất khó khăn, đến nỗi người ta kinh hãi truyền miệng nhau câu nói: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Cô Tô”. Thế mà cũng còn trụ vững và vượt qua được, thì bây giờ, mấy “việc cỏn con” ấy có đáng gì đâu. Có lẽ bởi thế mà sau này, các anh cũng dễ mở lòng hơn khi chia sẻ với chúng tôi những trăn trở về không ít khó khăn còn đang chờ phía trước.
Cùng với những khó khăn chung như tất cả những vùng đảo khác của Tổ quốc, Cô Tô gặp khó khăn lớn về nguồn nước ngọt. Ở vùng này, lượng mưa hàng năm ít, mạch nước ngầm nhiễm mặn không sử dụng được, toàn bộ nhu cầu về nước ngọt của nhân dân đều trông vào mấy hồ chứa nước với trữ lượng ít ỏi. Bởi vậy, việc giải quyết vấn đề này đã đặt ra không ít những thách thức với lãnh đạo và nhân dân nơi đây. Cùng với đó, điện sinh hoạt cũng là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.
Huyện có bốn cụm máy phát điện, công suất giờ cao điểm khoảng 400KW/giờ, phát điện từ 7h đến 23h hàng ngày, trước mắt tạm đủ cho nhu cầu làm việc và sinh hoạt. Hỏi đến giá điện, chúng tôi không khỏi giật mình: Thấp nhất là 16.000đ/KW, có nơi lên đến 22.000đ. Để bớt gánh nặng cho bà con, huyện đã chủ trương hỗ trợ bằng cách bù giá điện, cứ 1KW được bù 0,4 lít dầu. Về giải pháp tạo nguồn điện lâu dài và ổn định, huyện đang đề nghị được kéo cáp ngầm từ Vân Đồn ra, cũng có thể tính đến những dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện, sử dụng năng lượng sạch như gió và mặt trời.
Sau buổi làm việc với lãnh đạo huyện, điểm đầu tiên chúng tôi muốn đến thăm là khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đặt tượng đài Bác Hồ. Đây là tượng đài đầu tiên của Bác và cũng là tượng đài duy nhất được Bác cho phép dựng lên ngay từ khi Người còn sống. Bác đứng đó, sừng sững trước biển Đông, hướng mặt về phía Tây và giơ cao bàn tay vẫy.
Phải chăng Bác muốn cháu con hãy hướng tầm nhìn ra biển Đông? Hay Bác muốn nhân dân Cô Tô hãy luôn hướng về Thủ đô yêu dấu? Điều Bác muốn nói, chúng ta chẳng thể hiểu hết trong một sớm một chiều, nhưng hãy cứ nhìn vào nội dung tấm bia kỉ niệm ghi rõ: 8 giờ sáng ngày 9-5-1961, chiếc máy bay trực thăng đã hạ cánh nơi này, đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhân dân đảo Cô Tô… Vâng, vào thời điểm đó, khi miền Bắc còn ngổn ngang trong công cuộc tái thiết đất nước, miền Nam còn đang những ngày nóng bỏng của cuộc chiến đấu đánh đuổi đế quốc Mĩ để giành độc lập hoàn toàn, thì việc Người gác lại bấy nhiêu lo toan bề bộn để đến đây đã khiến chúng ta lại một lần nữa càng thêm khâm phục về tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo thiên tài.
Ngày hôm sau, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đưa chúng tôi đi một vòng quanh đảo. Vừa đi, anh vừa trình bày cặn kẽ cho chúng tôi nghe về tình hình cuộc sống của bà con. Lợi dụng địa thế nằm ở tuyến khơi của vịnh Bắc Bộ, giữa một ngư trường rộng lớn trọng điểm của cả nước với diện tích trên 300km2, bà con nơi đây vẫn thường nói: “Bước chân là ra khơi”, nghề mưu sinh chủ yếu của nhân dân nơi đây là đi biển. Biển Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật quý như: Ngọc trai, tôm rồng, cầu gai, bào ngư… và gần 1.000 loài cá, trong đó khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao, có trữ lượng lớn, là đối tượng đánh bắt thường xuyên, như: Cá hồng, song, mú, thu, chim, nục, trích, bạc má hay các loài nhuyễn thể: Bào ngư, ngao, sò, ốc… Đặc biệt thời gian gần đây, với vụ sứa kéo dài 3 tháng mỗi năm, ngư dân đã có thể làm giàu trên chính vùng biển quê mình bằng thu nhập từ cả trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi vụ. Nhờ bám biển, biết khai thác hợp lý sức mạnh và lợi thế của mình, người dân Cô Tô đã từng bước thoát nghèo, xây dựng được kinh tế vững vàng, ổn định. Những mô hình kinh tế nông thôn đang dần khẳng định sự thành công của phong trào xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về sản vật, Cô Tô còn được ban tặng một vẻ đẹp hoang sơ độc đáo: Nước biển nơi đây luôn xanh trong, những bãi cát trắng tinh, mịn màng, thoai thoải trải dài ngút tầm mắt. Bất cứ ai đã đến đây đều không thể quên cái cảm giác bềnh bồng khoan khoái khi được đắm mình trong làn nước nơi bãi biển Hồng Vàn, Vàn Chảy, Tài Vàn… Nếu những rạn san hô đẹp đẽ ẩn dưới làn nước trong vắt xa xa kia làm mê đắm những du khách với thú vui lặn biển thì những sườn núi thoai thoải kia lại cuốn hút người ta bởi vẻ đẹp trầm mặc của những cánh rừng nguyên sinh được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Những rặng phi lao như những đường viền xanh ngăn ngắt. Và đặc biệt ấn tượng với chúng tôi là rừng cây chõi ở xã Đồng Tiến. Đó là một loài cây trông vừa quen vừa lạ. Quen là bởi thoạt nhìn, nó giống hệt cây đa, cũng có một cái gốc lừng lững, xù xì, cũng có những thân phụ chằng chịt như những con rắn khổng lồ quấn quanh thân chính. Nhưng quan sát kĩ mới nhận thấy sự khác biệt dù là rất nhỏ nhưng cũng đủ tạo nên nét đặc biệt riêng.
Ấy là lá của nó, những chiếc lá nhỏ và cứng cáp hơn lá đa. Ấy là những cái thân phụ chằng chịt vừa như trổ ra từ các cành, mạnh mẽ cắm sâu xuống lòng đất, xuống các khe đá, lại vừa giống như những cánh tay vươn dài lên từ lòng đất, rồi quần tụ lại để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, nâng đỡ cho tán cây kiêu hãnh xoè rộng, vươn cao. Phải chăng chỉ ở Cô Tô mới có cây chõi, hay nó còn sống ở nơi nào khác nữa, tôi không biết rõ. Chỉ biết rằng, khi đứng nhìn ngắm nó, loài cây này bỗng gợi lên trong tôi về sức sống, sức bám trụ mãnh liệt trên một hòn đảo giữa bát ngát sóng gió trùng khơi. Tự dưng tôi lại nhớ đến tên của một phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc với chủ đề: “Giữ đảo bình yên”, đó là một phong trào đã và đang được nhân dân Cô Tô thực hiện rất tích cực và hiệu quả. Hoá ra ở nơi đây, khát vọng hoà bình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ đã ăn sâu vào ý thức của mỗi con người, mà nó dường như còn hoá thành bản năng của cả một loài thực vật trong cái thế đứng vững vàng dường ấy.
Ba ngày ở Cô Tô, không nhiều để có thể tìm hiểu cặn kẽ và sâu sắc tất cả, nhưng cũng đủ để tôi có một cái nhìn bao quát và rõ nét thêm về một vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc.
Tạm biệt Cô Tô, khi tàu quay mũi, tôi còn kịp nhìn thấy Bác vẫy tay chào, nụ cười hiền hậu vẫn tươi rói trên nét mặt rạng ngời. Và phía sau Người, mấy nghìn nóc nhà thấp thoáng lẫn trong cây. Những lá cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà vẫn tung bay phấp phới, kiêu hãnh và kiên trung, như đất và người Cô Tô - huyện đảo tiền tiêu vững vàng nơi đầu sóng.
- Theo báo Quảng Ninh, internet
No comments:
Post a Comment