Monday, May 28, 2012

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam

Nhà thờ Phủ Cam  là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế.

Ðầu năm 1963, nhà thờ bắt đầu được khởi công xây dựng, do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Tiến độ thi công ngôi nhà thờ nầy chậm và kéo dài (vì nhiều lý do), mãi đến ngày 01. 5. 1999, mới tiếp tục khởi công xây dựng hai tháp chuông. Và ngày 29. 6. 2000, sau gần 37 năm, nhà thờ chánh toà Phủ Cam mới được khánh thành, trở thành ngôi thánh đường rộng lớn vào bậc nhất tại thành phố Huế.

Nhà thờ có hai ngọn tháp chuông cao 43.5m (với 12 tầng mỗi tháp), chiều dài và chiều rộng của nhà thờ là 80m x 24m, phía trước sân nhà thờ có hai pho tượng thánh Phêrô và thánh Phaolô bằng xi-măng trắng do nghệ nhân Đinh Văn Lương (TP. Hồ Chí Minh) đúc.

Tượng được di chuyển bằng đường thủy từ Sài Gòn ra cảng Đà Nẵng, và đưa bằng ôtô ra Huế. Tượng được đúc làm ba đoạn, sau đó, được đổ xi-măng vào ráp lại.

Tiền đường của Phủ Cam trông giống như hàm con rồng đang há miệng nhìn tổng thể, nhà thờ Phủ Cam với đỉnh nhà thờ vươn thẳng lên trời trông vẫn hết sức thanh thoát nhẹ nhàng, mang đầy tính nghệ thuật và tôn giáo.

Thánh đường Phủ Cam được xây theo quan niệm vật lý kết cấu mới. Các trụ đỡ được đúc sát vào tường, chạy uốn cong dần về phía trước, mềm mại. Bốn góc mỗi góc có ba trụ đỡ vươn dần ra, tạo thành một không gian đủ rộng ôm kín cung thánh và bàn thờ.

Lòng nhà thờ được xây theo truyền thống cổ điển có hình thánh giá Latin cộng với lòng căn hai cánh mở rộng. Có hai dãy cửa gương màu nằm ở phần trên bên trong lòng nhà thờ, phía giữa có hình thánh giá bằng xi măng cốt sắt.

Nhà tạm, được xây sát vào phần hậu thân nhà thờ, nằm gọn vào phần lõm phía sau và được đặt trên một bệ cao ngay chính giữa.

Hai bên cánh hình thánh giá nhà thờ, cánh trái là phần mộ Ðức cố Tổng giám mục Philipphê Nguyễn Kim Ðiền (1921 – 1988), cánh phải đối diện là bàn thờ kính thánh.

Trong lòng nhà thờ, đặt những dãy ghế có sức chứa khoảng 2.500 người và phía trên cung thánh, có những bậc cấp đi lên.

Cung thánh là một hình tròn có các cấp đi lên, trên cung là một hình tròn nhưng nhỏ hơn với bàn thờ. Bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối lấy từ Non Nước – Đà Nẵng, đặt trên một viên đàn (hình tròn) có ba cấp tượng trưng cho tam tài: Thiên – Địa – Nhân, nơi đặt bục giảng của các linh mục… và các ghế ngồi cho những người hành lễ.

Đặt trên bệ cao, ngay chính giữa vừa dễ nhìn vừa trang nghiêm, là Cây Thánh Giá (một cây thông lấy từ đồi Thiên An – Huế), có tượng Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh, bên trên là bức hoạ Đức Chúa Giêsu dang tay ra trong bữa tiệc ly với dòng chữ: “CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA ĐẾN MUÔN ĐỜI”. Mỗi năm, đến lễ Giáng Sinh, hàng ngàn con chiên đến dự lễ cũng như khách tham quan đông nghẹt trước và trong nhà thờ.

Với những đường nét thanh thoát, với đỉnh nhà thờ vươn thẳng lên trời, với hai đường lượn phía trước tiền đường được xây bằng đá uốn cong xuống như hai vạt áo dài lớn hoặc như chiếc khăn quàng khổng lồ ai vắt ngang trời, cùng với những chi tiết kiến trúc đặc sắc khác, Nhà Thờ Phủ Cam tạo nên một không gian kiến trúc hoành tráng, vừa gần gủi gợi cảm, vừa thánh thiện tôn nghiêm.
Nhà Thờ Phủ Cam còn là một trong những địa điểm tham quan thú vị, một công trình văn hoá đáng quý tại thành phố Huế.

- Theo Hues

No comments:

Post a Comment