Thursday, May 24, 2012

H9 - Từ cao nguyên trở xuống đồng bằng

(Tiếp theo)
Giữa núi rừng bao la, bất chợt một khoảng không gian rộng lớn mở ra trước mắt bọn mình. Qua một vòng cua cong cong là những căn nhà nho nhỏ của người dân tộc ven đường. Còn bên kia QL là một thung lũng xanh mướt cây rừng, tít xa xa nhấp nhô những rặng núi trùng trùng điệp điệp như một khung cảnh trong chuyện thần thoại.

< Cạnh đường vào Gia Bắc là một thung lũng rộng lớn phủ một màu xanh của núi rừng, tít phía xa là dòng thác treo lưng chừng núi.

Đây đã là địa phận Gia Bắc, một xã nằm giữa con đèo cùng tên, một chốn yên bình, cũng là trạm dừng chân trên đoạn giữa của con đường nối từ cao nguyên Di Linh về xứ biển Phan Thiết là QL28.


< Chuẩn bị "vứt xe ven đường", bọc ni lông treo phía sau chứa 2 bộ áo mưa còn ướt.

Gia Bắc là xã vùng xa của huyện Di Linh, với đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh sống. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư Nhà nước cùng với sự nỗ lực của bà con đồng bào nên đời sống của người dân nơi đây được nâng lên đáng kể mặc dù Gia Bắc vẫn là một trong hai xã nghèo nhất của huyện.

< Một cậu bé đang đong đưa trên cành cây ven đường. Hỏi "em làm gì đó?" thì cu cậu nói trống không: "Chặt cây". Hi, ai mà không biết cậu đang chặt cây...

Giữa năm 2010, các hộ dân tại đây được ký hợp đồng vay vốn CDF của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) thông qua hiệp định giữa chính phủ với nước ngoài. Đây là xã đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng giải ngân nguồn vốn này đến tay các hộ dân để phát triển sản xuất...
< Chú bé nhỏ núp sau lưng anh đưa mắt nhìn người lạ, còn cậu lớn hơn khá "gấu": Khoát tay và nạt ra tiếng trong miệng khi "nửa kia" đưa máy chộp tấm này.



< "Nửa kia" đây, có lẽ cũng do trùm kín như ninja nên bọn nhỏ nhìn thấy khiếp vía! Chuyến này hơi tiếc vì không đem quà bánh gì theo để làm quà, một chốn vùng cao còn nghèo lắm.


< Cảnh vật xung quanh thật mê hoặc, trông như một "đỉnh trời" nào đó.

Với mục tiêu giúp dân xóa đói giảm nghèo, quản lý và phát triển tài nguyên rừng bền vững, nâng cao năng lực quản lý cho cộng đồng: trong thời gian qua, dự án Lâm Đồng đã tổ chức cho dân trồng rừng sản xuất, với mức hỗ trợ 500USD/ha, các hộ dân tham gia trồng rừng được cấp sổ đỏ, sở hữu sản phẩm trồng rừng khi khai thác, ngoài ra còn triển khai xây dựng quỹ CDF, quỹ ủy thác lâm nghiệp TFF ở từng xã vùng dự án, giúp bà con thêm khả năng phát triển sản xuất của gia đình để thoát nghèo.

< Dòng thác tuyệt đẹp phía xa. Máy còi bép của mình chỉ zoom x3 nên hình to chỉ bấy nhiêu, chán (Nhấn ảnh để xem kích thước lớn hơn).
Mới tậu cái netbook nên... hết tiền, khi nào rủng rỉnh sẽ tậu thêm cái siêu zoom loại "hàng cũ vẫn chạy tốt". Khi đó thì tha hồ mà dzoom nếu cái cẳng không bò đến được.

< Bất chợt, có một nhóm mấy chiếc môtô từ hướng Phan Thiết chạy lên rồi dừng lại ở góc cua quẹo để săn ảnh. Không biết là nhóm phượt nào, nếu đi mình ên thì mình sẽ ghé lại hỏi.
Góc ảnh này đẹp tuyệt vời: chỗ nắng chói, chỗ thì âm u.

< Rồi bọn mình lên xe theo đường vào trung tâm xã. Giữa trưa nên khá vắng người, lúc này đã là chính ngọ - thật may mắn vì bọn mình ăn sớm ở Di Linh... chứ không thì bi giờ đói rã ruột mất!

< Trường tiểu học Gia Bắc đây, khá khang trang.

Ngày nay, tuyến đường Quốc lộ 28 dẫn vào trung tâm xã Gia Bắc dài gần 40km được thảm nhựa phẳng phiu như dải lụa vắt qua những cánh rừng thông, rừng nguyên sinh bạt ngàn. Giờ đây đồng bào xã Gia Bắc đã có điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa trên tuyến đường này.
< Tiệm "tạp hóa" di động, trông lại nhớ hồi ở Đạ Tẻh.

< Mấy cô bé học sinh mang gùi trên lưng đi ven đường, trò chuyện rôm rả với giọn nói là lạ...

Gia Bắc bây giờ đã có nhiều mái nhà kiên cố xen lẫn những ngôi nhà  truyền thống giữa những vườn cà phê xanh, tạo nên một bức tranh tươi sáng của một xã vùng. Sự đủ đầy của người dân Gia Bắc được minh chứng bằng những tuyến đường nhựa, đường cấp phối đến từng buôn, từng xóm; những dãy cột điện lưới băng qua những cánh rừng, vườn cà phê…
< Rời khu trung tâm, tiếp tục con theo đường huyền thoại...

... Trường học cấp I - II được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của gần 800 học sinh là con, em đồng bào. Trạm y tế xã có đầy đủ các tủ thuốc, y bác sỹ, đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Quá khứ mỗi khi có người đau ốm không biết chạy chữa ở đâu của người dân vùng sâu Gia Bắc nay đã lùi xa.
< Hai cô gái người K’Ho đang ra rẫy, cô bé ngoái đầu nhìn lại rất xinh đấy nhé.

< Bên phải là núi, phía trái là vực. Đây là một trong những cung đường đẹp nhất mà bọn mình đã đi.
Vậy nhưng ngẫm lại bổng thấy đường nào cũng đẹp cả: càng hoang sơ thì cành tuyệt vời! Đầu óc mình có vấn đề chăng?

< Những khúc cua tròn vo như thế này trên QL28 nhiều lắm, đếm không xuể đâu.

< Nếu máy chụp được zoom trên 10x thì sướng, đàng này chỉ có 3x nên lấy hết cảnh hổng nổi.

Gia Bắc hiện có 452 hộ dân với gần 2.500 nhân khẩu, chủ yếu là người K’Ho. Từ khi Nhà nước triển khai chương trình định canh, định cư và chuyển giao mạnh mẽ khoa học công nghệ cho đồng bào phát triển sản xuất thì số hộ nghèo của xã đã giảm nhiều. Nếu tính theo tiêu chí mới: năm 2011, Gia Bắc chỉ còn 29% số hộ trong xã thuộc diện nghèo và không có hộ đói.
< Lúc này vẫn xuống dốc đều đều: từ cao nguyên xuống đồng bằng mà lỵ. Nhiệt độ cũng tăng dần...

Hiện 100% số gia đình trong xã đã mua sắm được xe gắn máy, phương tiện nghe, nhìn, phương tiện sản xuất cơ giới. Toàn xã Gia Bắc đã có hơn 380 ha cà phê; trên 430 ha bắp phục vụ chăn nuôi gia súc và cung cấp ra thị trường bình quân mỗi năm 2000 tấn...
< Nếu nhìn trên bản đồ thì bạn sẽ thấy những đường gấp khúc này: những vòng cua mê hoặc...

... Nhờ biết áp dụng KHKT vào trồng trọt và chăn nuôi nên ở tất cả các thôn của xã đều có những nông dân người K’Ho vươn lên làm giàu với thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện thì Gia Bắc vẫn còn là một xã nghèo của huyện do kinh tế phát triển chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chí mới còn cao...
< Dừng xe liên tục: chụp ảnh là... phụ, cái chính để... uống nước do sự "mát mẻ" đã trả lại cho vùng cao nguyên. Đúng y như anh quản lý thác Bobla nói "hết đèo sẽ thấy cái nhiệt của vùng đồng bằng".

< Trên nhìn thấy phía dưới thì dưới cũng phải nhìn thấy chút trên...

Để Gia Bắc từng bước vươn lên, giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Gia Bắc đã xây dựng đề án. Trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng vào giá trị và chất lượng của sản phẩm hàng hóa, tạo thuận lợi ưu tiên cho phát triển trồng rừng kinh tế, huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã trở thành trung tâm buôn bán trao đổi hàng hóa của nhân dân.
< Vắng lặng nhưng nhờ vậy cũng thật thoải mái chạy dọc xuôi...

Vận động nhân dân phát huy hiệu quả các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân ngày càng ổn định, đưa bộ mặt nông thôn vùng sâu Gia Bắc ngày càng phát triển.
< Cọc cây số bên đường ghi Ma Lâm nhưng con số phía dưới bị cỏ che khuất mất. Mình lười dừng lại, nhưng thầm nghĩ cũng không còn quá xa...

< Đường quanh co, hai bên là rừng và núi bạt ngàn. Khúc này nhìn thấy hai anh kiểm lâm đèo nhau trên xe gắn máy chạy ngược lại. Waoo, từ Gia Bắc về đến đây mới thấy người đầu tiên.

< Phan Thiết còn 43km. Nhưng trong kế hoạch thì bọn mình không đi Phan Thiết mà đến Hàm Thuận Bắc...

< Hết đèo Gia Bắc: bảng báo phía Bình Thuận lên.

Gia Bắc nói riêng và các xã nghèo nói chung, đang và sẽ còn nhận được nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu thoát nghèo nhanh và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngoài nỗ lực của các cấp, ngành, thì yếu tố quan trọng nhất vẫn phải là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính quyền và nhân dân Gia Bắc bởi vì dù nguồn lực Nhà nước đầu tư có lớn đến mấy nhưng nếu mỗi người, mỗi địa phương không tận dụng được cơ hội thì cái nghèo, cái khó sẽ còn đeo bám mãi (tổng hợp từ web Dilinh, Nonglamdong).

< Qua một cây cầu nhưng phía dưới không có miếng nước nào, có lẽ dòng nước chỉ có giữa mùa mưa. Giờ thì đang hạn và nóng đổ lửa!

< Vào địa phận tỉnh Bình Thuận rồi, QL28 bắt đầu được kẻ vạch chia luồng và mở rộng thêm. Bình Thuận có vẻ "giàu" hơn Lâm Đồng thì phải.

< Mình lại qua cây cầu khác (cầu Bản), cũng không có nước...

< Gặp cả một sư đoàn bò thả rông, ken đặc mặt đường. "Hối lộ" các ông bò không xong nên mình phải bấm kèn, luồng lách mà qua.

< Đích đến còn xa tít tắp...

< Khô cằn nhưng cây cỏ vẫn tràn ngập một màu xanh mát cả mắt.

< Dê và bò chung sống trên đồng cỏ non.

< Một vòng cua ngoặc có kè đá hai bên, cả rãnh thoát nước. Trong mùa mưa lũ: các rãnh này sẽ phát huy tác dụng tốt, không phá hỏng đường.

< Bọn mình lại gặp một chốt kiểm lâm. Lâm tặc có đi đường chính này không, hay họ cắt rừng nhỉ?

< Cuối cùng thì tới đây một ngã 3 đường lớn. Mình ngờ ngợ cho đây là ngã rẽ đi "Ngã 3 Gộp" thuộc Hàm Thuận Bắc. Dự tính của bọn mình là ra Ngã 3 Gộp > theo QL1A về Sara > rẽ ngã 3 núi Tà Zon vào xã Thiện Nghiệp rồi theo TL706B ra Mũi Né.

Bấy giờ là 1h trưa, không có ai để hỏi cho chắc ăn dù đã xem kỹ bản đồ. Chợt một chị phụ nữ chở con chạy ngang: bà xã mình chặn xe hỏi thì đúng rồi - Xem ra bản đồ vệ tinh lợi hại thật!
Vậy là bọn mình rẽ trái, theo đường dự định hướng về QL1A... mà không ngờ rằng "một đống" tai họa đang chực chờ sau quyết định này...

Còn tiếp
-

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12

No comments:

Post a Comment