Nếu mỗi tỉnh thành chọn cho mình một ngày hội về một món ăn địa phương độc đáo, thì Sài Gòn sẽ lúng túng… và may ra chỉ có thể chọn ngày hội trà đá – một sáng chế rất Sài Gòn nhiệt đới.
Nhưng ẩm thực ở đây lại vận vào trạng thái sắc sắc không không. Bởi đến với thành phố nhập cư khổng lồ này, nhiều thế hệ lưu dân không chỉ nằm than trời trách đất như ông Vũ Bằng mà đem theo cái thương nhớ mười hai...
Món Bắc
Bộ sưu tập món Bắc ở đây đang hồi cực thịnh. Riêng món phở đầu tiên, theo nhà nghiên cứu Lý Thân, vào giữa những năm 1940 xuất hiện nguyên bản, bản sao y chang bản gốc, do những phu đồn điền bỏ sở ra Lái Thiêu mở quán. Phở đến Sài Gòn muộn hơn, khoảng năm 1950 và nhanh chóng tiếp biến để hạp với cái lưỡi xứ này.
Ông Lý Thân nhớ lại: ngay sau khi món phở ra mắt dân Sài Gòn không lâu, có một bác sĩ tên là Hồ Quang Phước, tốt nghiệp đại học L’Aurore Shanghai đã ca tụng món ăn mới mẻ này là món mỹ thực ngon bổ trong quyển sách Mạnh khoẻ trẻ trung do thực phẩm hợp thời xuất bản năm 1951.
Quyển sách viết: “Phở Bắc gồm có bún bằng bột gạo trắng, giá đậu xanh, nhiều thứ rau thơm, vài lát cà chua, thịt bò nhúng tái trong nước lèo, một lát chanh, chút ít ớt đỏ…” BS Phước khen lấy khen để: “Các thứ rau thơm, cà chua, giá sống, ớt, chanh – mấy phụ liệu này giữ một địa vị lớn lao về sanh tố trong tô phở”.
Bây giờ thì phương Bắc có món gì, Sài Gòn – TP.HCM có món đó theo điệu “sáu câu”, cũng y như món phở vừa kể. Phở Bắc là hàng gánh “lọ lem” dành cho giới bình dân, vào Nam, được cải biên ăn kèm thêm nhiều thứ gia vị, phong phú hoá các thức thịt bò và đặt trong những quán ăn trung lưu của Sài Gòn thuở đó.
Buổi sáng không ăn phở thì có thể ăn dĩa bánh cuốn Thanh Trì, tô bún mọc hoặc cháo lòng ở một góc vỉa hè nào đó… Cũng có thể nhâm nhi vài miếng lòng heo, chiêu ngụm rượu làng Vân chánh gốc cụ Tom (mặt hàng này cực hiếm, phải quen biết và dặn trước ở một đại lý trên đường Ba Tháng Hai).
Rồi nhiều chợ Bắc cũ mới có, mọc lên, siêu thị Hà Nội ra đời. Sài thành sắc sắc món ăn phương Bắc.
Món Trung
Cộng đồng người Trung cũng sống thành nhóm nơi đây và họ cũng đem theo di sản đệ nhất khoái lạc của mình vào. Chợ Bà Hoa nổi tiếng về sản vật xứ Quảng. Những quán vệ tinh chung quanh chợ Bà Hoa chuyên trị món Quảng mà nổi tiếng nhất là món mì gốc Tàu nhưng bánh lại bằng bột gạo đúng với lịch sử thời xa vắng bột mì của nó.
Mì Quảng nhập cư với “en nờ” phiên bản. Một chị bạn vào đến thành phố, đã phải cho thêm nước lèo vào cái “uyên nguyên” của tô mì má chị dạy nấu hồi còn con gái đến giờ, chỉ vì đất Sài Gòn mạng “hoả”.
Ngay món bánh canh cá, còn gọi là cháo cá Quảng Trị cũng đề huề bán dài năm lâu đời trong một con hẻm trên đường Phạm Văn Hai.
Hủ tíu, cũng giống như bún mì Quảng, ra đời rất hoàn cảnh là không có bột mì. Nơi phát triển sớm nhất có lẽ là Mỹ Tho đại phố, và ghi dấu ấn về hủ tíu Mỹ Tho. Đến khi bột mì được nhập nhiều hơn ở bến Bình Đông, mì được phục hồi. Cặp hủ tíu – mì đã trở nên một thứ món song đôi có bề dày lịch sử. Và giờ đây nhiều người Sài Gòn lại có một chọn lựa dị thường: ăn tô hủ tíu mì.
Món Nam
Nói đến các món phía Nam, nhiều món ngon, phần lớn gốc gác ở miệt Trà Vinh, Sóc Trăng. Nổi tiếng nhất là lẩu mắm. Nước lẩu trở thành một thứ huyền thoại mà mỗi tác gia nói một phách. Nhưng nét đặc trưng của món lẩu này là bản năng sông nước của nơi sản sinh ra nó: một lượng rau tươi sống dễ nể. Thời đại xanh càng làm cho món lẩu mắm đi vào thời tân hiện đại.
Về rau, lại sản sinh ra hai phái, rau miền Tây và rau miền Đông. Rau miền Tây là những loài háo nước đối lập với rau miền Đông là các loại rau rừng. Chỉ cần vào một quán bánh canh thịt luộc Trảng Bàng nào ở TP.HCM ngày nay, là người ăn có được nhiều kiến thức mới về các loại lá rừng, các loại rau trên cạn.
Và, không thể không nói đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn. Đó là một bảo tàng về món Hoa mà dù là Hong Kong, Thượng Hải, theo ý kiến nhiều người đã trải nghiệm, cũng không tìm thấy được nét sơ nguyên của món Hoa từ thời nhập cư sang Việt Nam.
Nhất là những món ăn của người Tiều, những người rất có ý thức truyền nghề để lưu giữ tinh hoa ẩm thực. Đến Chợ Lớn, người sành điệu thường tìm đến những quán không tên, thường lấy số đường làm tên, có bề dày mấy chục năm, để ăn những mì, những chè, những há cảo…
Ăn hương xa
Đi một vòng Sài Gòn – TP.HCM ngày nay, người ta còn có thể thử các món ăn sushi Nhật; thịt chó, kim chi Hàn Quốc; nướng Brazil; càri Malaysia; xào, hấp Singapore; bánh xèo Pháp; bánh xèo (pizza), mì Ý; cơm gà Thượng Hải, v.v. Chỉ có hơi vô duyên là fastfood đã là cựu hiện đại của người Mỹ so với bánh mì thịt ra đời lâu lắc ở Việt Nam…
Sài Gòn – TP.HCM không có cái gì của nó, nhưng nó là bộ sưu tập lớn; món gì có ở Việt Nam, ở thế giới đều có thể tìm thấy ở đây với những phiên bản khi thì tiếp biến, lúc cần thì lưu giữ nguyên gốc.
- Theo Sài Gòn tiếp thị, internet
No comments:
Post a Comment