Thursday, May 17, 2012

Huyền bí Phan Rang

Phan Rang là kinh đô Panduranga của Vương quốc Champa cổ. Những phế tích tháp Chăm mang đến sự hấp dẫn lạ thường. Nhưng  Phan Rang còn nhiều bí ẩn khác chưa biết đến bao giờ mới được khơi mở trọn vẹn.

Ngày 4.8.1917, thị xã Phan Rang được thành lập theo đạo dụ của Vua Khải Định, triều Nguyễn ban hành. Đầu tháng 2.2007, thị xã Phan Rang-Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận, trở thành thành phố theo Nghị định của Chính phủ. TP.Phan Rang nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A, đường số 27 lên Đà Lạt (Lâm Đồng), Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột).
Đến với TP.Phan Rang là nghĩ ngay đến những ngôi đền tháp Chăm cổ huyền bí, là đến với bãi biển Ninh Chữ thơ mộng với hàng dương ken dày rợp mát, hay những ngôi chùa trên triền núi đá, và nằm chen trong những dãy phố... Ăn hải sản tươi sống vừa đánh bắt, nếm rượu vang nho, thưởng thức thịt cừu nướng...

Tháp Poklong Garai- chưa biết cách quảng bá

Tháp nằm trên núi Trầu, cách trung tâm TP.Phan Rang 5km, gần kế bên ga xe lửa Tháp Chàm. Theo truyền thuyết, tháp được vua Simhavarman III (Chế Mân) xây dựng vào thế kỷ 13 để thờ vua Poklaung Garai. Theo như văn tịch cổ để lại thì tháp gồm nhiều công trình lớn nhỏ, nhưng hiện tại chỉ có 3 ngôi tháp theo thứ tự: Tháp cổng, tháp nhà, tháp chính. Tháp chính, đẹp nhất, cao 21,59m, mỗi cạnh rộng 10m, tháp hình vuông, có một tầng, với nội thất hình chữ nhật theo hướng đông-tây, cửa mở hướng đông. Tháp đã được trùng tu nhiều lần từ năm 1981-1987...

Tháp Poklong Garai, với màu gạch nâu đỏ trầm mặc, những phù điêu các vị thần linh, hình vũ nữ Chăm chạm khắc trên các bức tường như đang cùng kể những câu chuyện huyền thoại bất tận về Vương quốc Chămpa cổ hàng ngàn năm trước. Bóng tháp in trên nền trời xanh biếc, trong bốn bề gió lộng và nắng đỏ màu mật như tăng thêm sự huyền bí của cả không gian nơi này.

Anh bảo vệ khu di tích cho hay vào  tháng 3, chớm hè, bắt đầu đông khách nội, kéo dài cho hết tháng 8. Những ngày cao điểm có khi lên tới vài nghìn người tham quan, còn thì lai rai từ vài chục đến vài trăm người. Sang đến tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau thì phần lớn là khách nước ngoài, họ đi theo  tour của các công ty lữ hành trong nước, gần như không có khách Việt. Vé vào tham quan cũng không cao, giá đồng hạng 10.000 đồng/lượt.

Có một điều, quan sát sau 2 lần đến đây (tháng 12.2011 và tháng 3.2012), tôi thấy phần lớn khách cả ta lẫn ngoại đều chỉ tham quan tháp rồi đi một mạch ra cửa về, rất ít ai ghé lại khu trưng bày một số di vật được tìm thấy trong tháp qua các đợt trùng tu, nơi bán hàng lưu niệm, triển lãm ảnh nghệ thuật về sinh hoạt cộng đồng người Chăm. Tôi ghé qua xem thử, thì phần trưng bày các hiện vật cổ của tháp rất nghèo nàn, thô sơ, ít chú giải rõ ràng, và không có hiện vật nào thật ấn tượng.

Gian trưng bày nét nghệ thuật đặc trưng của người Chăm qua trang phục, hoa văn... cũng rất thô mộc, hàng lưu niệm ít ỏi về cả số lượng và sự phong phú hiện vật. Phần lớn là không phải của Ninh Thuận, ngoại trừ sản phẩm gốm Bàu Trúc (nhưng giá lại rất cao so với giá gốc mua tại làng), ít hàng thổ cẩm (nhưng không chắc là do người Chăm - Ninh Thuận dệt, và giá cũng rất cao). Ảnh nghệ thuật thì rất ít tác phẩm có giá trị, mà chỉ là hình ảnh mang tính giới thiệu, minh họa.

Cũng khá lạ, nếu khách đi theo đoàn, thì có hướng dẫn viên du lịch giới thiệu lịch sử tháp, một ít phong tục văn hóa người Chăm, còn khách đi lẻ thì chỉ biết ngắm, chụp vài ảnh lưu niệm và ra về. Tại tháp không có người thuyết minh (ngoại trừ tấm bảng ngay cổng lên tháp in bằng 2 thứ tiếng Việt- Anh, vài thông tin về niên đại, kiến trúc của tháp), và khách tự tìm hiểu nếu tò mò muốn biết thông tin về tháp.

Và một điều mà tôi thấy tiếc cho nơi này, cho dù có thu tiền phí tham quan, nhưng sao không trích ra để in một catalogue nhỏ giới thiệu về lịch sử của tháp cũng như vài dòng về Vương quốc Chămpa, văn hóa người Chăm? Để khách đến nơi này, ra về mang theo một vài khám phá về những huyền bí của tháp Chăm, để tăng thêm phần thích thú, để có thể lại quay lại khám phá thêm một lần nữa.

Bãi biển Ninh Chữ: làm du lịch chưa chuyên nghiệp!

Cách trung tâm TP.Phan Rang chừng 5km, thuộc xã Khánh Hải, Ninh Hải, bãi biển Ninh Chữ có chiều dài trên 10km, bờ cát phẳng, mịn, vàng nhạt, với những vòng cung uốn lượn dưới rặng dương (phi lao) dày rợp bóng mát, qua các núi Đá Chồng, Tân An, Cà Đú... Từ Ninh Chữ, khách du lịch có thể đến thôn Tri Thủy nằm ven cửa biển nhỏ.

Tại đây có những cảnh núi và biển nằm cạnh bên nhau, tạo nên những cảnh đẹp vừa hoang sơ vừa kỳ thú. Núi không um tùm cây cỏ mà có dáng dấp như các hòn non bộ, cao thấp khác nhau, màu xám trắng, chen giữa lơ thơ cây lá. Trên sườn núi là vài ngôi cổ tự thâm nghiêm, u tịch, vài xóm nhà ngói lưa thưa. Đi một chút nữa là đến bãi biển hoang, cũng xanh mát rừng dương với những tảng đá hình thù kỳ dị, nằm chơ vơ trên cát, sóng ở đây gần như rất êm, tạo một không gian tuyệt đối yên tĩnh, vắng vẻ và thơ mộng.

Đặc biệt ở Ninh Chữ, có những vườn nho xanh, tím trĩu quả. Có lẽ nắng gió Phan Rang đã tạo cho nho vùng này độ ngọt gắt, nhưng lại giảm nhanh cái khô khát háo nước sau khi tắm biển, hay thưởng thức các món hải sản. Và cũng như để thêm vị, rượu vang nho Ninh Thuận là thức uống giải khát khá hấp dẫn.

Nhưng, vẫn lại là một đòi hỏi chính đáng về một sự chuyên nghiệp trong  du lịch biển. Đến Ninh Chữ, chỉ đơn thuần tắm biển, ăn hải sản, và đi dạo ngắm cảnh đẹp, nghe tiếng sóng, hóng gió mát. Ngoài ra, trên biển, trên bãi cát đẹp như mơ đó không có sản phẩm hay loại hình du lịch nào.

Như những trò lướt ván, dù lượn, lặn biển, hay các chuyến cano mini đưa khách ngắm bờ biển từ phía ngoài biển, hay thú vị hơn là tổ chức cho khách xuống những thuyền thúng đi câu mực, câu cá...Rượu vang nho của Ninh Thuận thì hình như chỉ có ở Ninh Thuận, không thấy ở bất kỳ đâu. Nói chung là sản phẩm du lịch ở nơi này quá nghèo, trong khi tiềm năng thì “bất tận”.

Thành phố Phan Rang - ít người dừng chân

Không hiểu sao TP.Phan Rang lại có rất nhiều quán café, mà phần lớn quán bề thế, rộng, thoáng, vừa nhiều cây hoa cảnh, vừa trang trí bắt mắt, dù nơi này không phải là vùng trồng café, và cư dân cũng không phải là nhiều, chưa tới 200.000 dân.

Vậy mà quán nào tối đến cũng đắt khách ra vô tấp nập. Vào thử một quán kiểu sân vườn, cũng không có gì quá đặc biệt  khác lạ, như càphê của tất cả các quán khác từ Bắc vào Nam, vẫn bấy nhiêu thức uống như mặc định của các café quán, giá cũng “mềm” không như café phố lớn tỉnh lớn, và có khác chăng là những bản nhạc, nghe chỉ buồn cười vì lời lẽ ngây ngô, sến sẩm, cứ được “tua” đi “tua” lại. Hỏi chủ quán, sao nghe mãi một bài không đổi, chủ quán biết khách lạ, nên thật tình: “Ui chao, nghe nhiều bài, hắn ngồi miết, bán ai. Nghe một bài hắn ngồi một lát, chán, về, có chỗ người khác vô...”

Chợ Phan Rang cũng y hệt các ngôi chợ của các tỉnh thành khác, chẳng thiếu thức gì của ba miền. Không có nét riêng nào của chợ. Ghé vào những gian hàng bán đồ lưu niệm, một sự thật buồn, không có bất cứ thứ gì gọi là “made in Ninh Thuận”, hay “made in Phan Rang-Thap Cham”.

Đồ lưu niệm có xuất xứ ngoại tỉnh, ngoại lai tràn ngập, muốn tìm một vật gì mang dấu ấn của Ninh Thuận hay Phan Rang thật khó (trừ gốm Bàu Trúc), nhưng loại này chỉ bán tại làng, không đủ bán đại trà ngoài chợ. Câu hỏi “Ninh Thuận có gì”, thật sự khó trả lời, ngoài mấy “đặc sản” trời cho: Nắng, gió, biển, sông, núi...

Và nếu như đã vào TP.Phan Rang, nên ghé qua con đường 16.4, để ngắm quảng trưòng 16.4 (ngày kỷ niệm giải phóng Ninh Thuận 16.4.1975). Quảng trường mênh mông, các phù điêu, tượng đài hoành tráng, nhưng không gian khá tĩnh lặng, người thưa thớt, trưa thì “nắng như rang”, chiều tối xuống thì “gió như phang”, cây cối ít, chẳng có gì để ngắm, hay để ngồi thư giãn như ở một công viên.
Và đó có thể là một trong nhiều lý do ít người chịu dừng chân ở thành phố này.

- Theo Việt Dũng (báo Laodong), ảnh sưu tầm

No comments:

Post a Comment