Thursday, May 24, 2012

Lăng Hoàng Gia

xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có một quần thể công trình kiến trúc cổ khá độc đáo, đó chính là lăng Hoàng Gia, nơi yên nghỉ của những người thuộc dòng họ Phạm Đăng, một dòng họ nổi tiếng ở Nam Bộ vào thế kỉ XVIII, XIX. Đặc biệt, tại đây có ngôi mộ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, ông ngoại của vua Tự Đức.

< Nhà thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng từng là nơi ở của Thái hậu Từ Dũ từ lúc nhỏ cho đến khi ra Huế nhập cung vào năm lên 14 tuổi.

Dòng họ Phạm Đăng từ Quảng Ngãi vào Gò Công lập nghiệp bắt đầu từ ông Phạm Đăng Dinh, một nhà nho vừa dạy học cho dân trong vùng, vừa khai khẩn đất đai giồng Sơn Quy để khai cơ lập nghiệp.

< Nhà thờ có cửa vòm và phù điêu hoa lá theo lối kiến trúc phương Tây, kết hợp với hàng cột có câu đối chữ Hán theo lối kiến trúc phương Đông.

Chuyện kể rằng, vào một đêm mưa to gió lớn, có một người khách lạ ghé vào nhà ông Dinh xin bữa ăn và ở nhờ qua đêm.

< Cổng gỗ bề thế và chạm khắc cầu kỳ thể hiện rõ vị thế của gia chủ.

Vốn thương người và hiếu khách, ông Dinh tiếp đãi khách rất thịnh soạn. Hôm sau, khi ra đi, vị khách cảm kích nên cho ông Dinh biết mình là một thầy địa lý đang đi tìm long mạch. Để tạ ơn, vị khách mách bảo cho ông Dinh biết Gò Rùa, gò đất có dáng khom khom như cái mai rùa, là mảnh đất tốt, nếu dùng làm nơi an táng thân phụ, về sau con cháu sẽ được hưởng lộc rất lớn.

< Nhà thờ có hàng cửa bức bàn được làm bằng gỗ quý và theo phong cách truyền thống Huế với hình chạm khắc và hàng con tiện tinh xảo trên từng lá cửa.

Nghe vậy, ông Dinh sai con trai là Phạm Đăng Long quay về Quảng Ngãi mang hài cốt ông nội là Phạm Đăng Tiên vào táng tại Gò Rùa. Năm 1796, cháu nội ông Dinh là Phạm Đăng Hưng, sinh năm 1764, thi đỗ Tam trường tại trường thi Gia Định.

< Chính giữa gian nhà là các án thờ của những người thuộc dòng họ Phạm Đăng.

Phạm Đăng Hưng là vị quan thanh liêm, văn võ song toàn, nổi tiếng liêm khiết. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tham tri bộ Lại kiêm Chưởng trưởng đà sự chuyên trông coi việc đê điều (1805), Thanh tra trường thi Hương ở Kinh Bắc (1807), Thượng thư bộ Lễ (1813) kiêm quản Khâm thiên giám (1815).

< Nhìn từ xa, khu lăng mộ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng trông giống như một chiếc mũ triều phục.

Ông là thân sinh của Thái hậu Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị. Thái hậu Từ Dũ là bậc mẫu nghi thiên hạ, không những giúp triều đình trị quốc an dân mà còn nổi tiếng là người phụ nữ đức hạnh và biết cách nuôi dạy con.

Năm 1825, Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng mất. Năm 1826, người con trai trưởng của ông đã cho xây dựng một khu lăng mộ lớn ngay tại mảnh đất phát tích của dòng họ mình ở xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Để làm công trình này, nhiều nghệ nhân tài hoa bậc nhất chuyên xây dựng lăng tẩm, cung đình từ Huế và các địa phương đã được mời vào Gò Công nghiên cứu, thiết kế và xây dựng.

< Hình chạm khắc "long, lân, quy, phụng" trên án thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng mang đậm dấu ấn nghệ thuật cung đình.


< Án thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng đặt ở chính giữa, trông giống như án thờ các vua nhà Nguyễn đặt ở Thế Miếu trong kinh thành Huế.

Hiện nay, tại xã Long Hưng, khu lăng mộ Hoàng Gia vẫn còn gần như nguyên vẹn. Trong đó đáng chú ý có nhà thờ Đức Quốc Công, từng là nơi ở của Thái hậu Từ Dũ từ lúc nhỏ cho đến khi ra Huế nhập cung vào năm lên 14 tuổi. Nơi đây cây cối xanh um bao trọn lấy ngôi nhà thờ có lối kiến trúc giống như các tòa dinh thự của giới quý tộc Nam Bộ xưa, pha lẫn chút kiến trúc cung đình Huế.

< Các bài vị cổ đặt trang nghiêm trên án thờ.

Toàn bộ ngôi nhà được xây bằng gạch với hệ thống cột, rui, mè... bên trong làm bằng gỗ quý và được chạm khắc tinh xảo theo chủ đề “bát bửu”, “tứ linh”, “tứ quý” đậm chất Á Đông. Trong khuôn viên của công trình còn có một cái giếng cổ xây bằng gạch vồ. Vào mùa khô, cả vùng Gò Công bị nước biển xâm thực làm nhiễm mặn, nhưng nước ở giếng này quanh năm vẫn ngọt lịm.

< Giếng nước cổ xây bằng gạch vồ trong khuôn viên Lăng Hoàng Gia.

Ngoài nhà thờ, nơi đây còn có khu lăng mộ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Nhìn gần, khu lăng mộ có hình của một chiếc mũ triều phục, nhưng nhìn từ xa lại trông giống như một cái đỉnh lớn. Đây là một kiểu kiến trúc khá lạ và độc đáo. Lăng Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng có quy mô không lớn nhưng kiến trúc khá đặc sắc. Lăng có nhiều chi tiết trang trí tinh xảo thể hiện cho sự danh giá của dòng họ Phạm Đăng dưới triều Nguyễn như hình rồng, nghê, hổ, cá chép vượt vũ môn, hoa lá...

< Tương truyền, thi thể Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng được chôn ở tư thế ngồi trong chính ngôi mộ này.

Lăng còn có một tấm bia lớn bằng đá trắng xứ Quảng Nam, do vua Tự Đức ban tặng, trên có bài văn bia do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn thảo vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Do chiến tranh, tấm bia bị thất lạc, phải đúng 130 năm sau nó mới được tìm ra và đưa trở về Lăng Hoàng Gia. Đặc biệt, tương truyền, thi thể Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng được chôn trong tư thế ngồi. Mộ chôn theo kiểu nội quan ngoại quách.

< Sau 130 năm lưu lạc, tấm bia đá do vua Tự Đức ban tặng đã được đặt trở lại trong khu lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

Với những giá trị đặc biệt như trên, ngày 02/12/1992, Khu lăng mộ Hoàng Gia đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

- Theo Buudien Vietnam

No comments:

Post a Comment