Thursday, March 22, 2012

Phiêu trên xứ sở …đá

Nếu muốn được thử “thần kinh thép” với những khúc cua tay áo miên man, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, bí ẩn của những núi đá ngút ngàn, và hoà mình vào những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo, chân chất của những con người mang “tinh thần đá”, hãy ngược dòng sông Lô lên với cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

Trước khi xuất phát từ thị xã Hà Giang, chúng tôi được khuyên cần phải “nạp năng lượng” đầy đủ thì mới có sức "phiêu" trên những cung đường ngoằn ngoèo bám quanh các núi đá. Chuẩn bị xong “công tác hậu cần”, ai nấy đều háo hức lên xe bắt đầu cuộc hành trình thưởng ngoạn vẻ đẹp cao nguyên đá. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Cổng trời Quản Bạ (nơi có độ cao 1500m so với mực nước biển) được coi là cánh cổng có sức cuốn hút kỳ lạ dẫn dắt vào "thiên đường đá".

Tại đây đã xây dựng một hệ thống dịch vụ để phục vụ du khách nghỉ chân và hướng dẫn tham quan. Đặc biệt, đến đây ai nấy đều háo hức leo mấy trăm bậc đá để lên một điểm nhìn trên cao – nơi có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Tam Sơn (huyện Quản Bạ) đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Một phố núi yên bình nằm trọn trong một thung lũng với bốn bề đồi núi đá bao bọc. Và chắc hẳn điểm “níu mắt” mỗi người khi đứng trên Cổng trời Quản Bạ chính là kiệt tác đầy lãng mạn và độc đáo của thiên nhiên mang tên Núi đôi Cô Tiên nằm giữa thung lũng lưu giữ nhiều huyền thoại này.

Chặng đường tiếp theo tới thị trấn Yên Minh được gọi là “cung đường thử thách” với những khúc cua tay áo miên man, khiến người ta chưa kịp lấy lại tinh thần sau đường cua này, thì đã tiếp tục đối diện với những đường cua khác.

Tuy vậy, ai nấy đều không bỏ qua cơ hội ngắm nhìn những vườn đá rải rác khắp các sườn đồi, ngọn núi, những hàng thông xanh xen với màu xám “lạnh lùng” của đá. Tiếp tục cuộc hành trình qua thị trấn Mèo Vạc có phần sầm uất hơn, chúng tôi đã thực sự bước chân vào “thiên đường màu xám”.

Những hoang mạc đá, những đồi núi đá trùng điệp nối tiếp nhau miên man. Trước khi tới đỉnh Mã Pì Lèng, chúng tôi dừng xe ở một điểm nhìn hẻm vực sông Nho Quế rõ nét nhất. Quả là một tuyệt tác của tạo hóa! Dòng sông Nho Quế xanh ngắt “xẻ” làm đôi một quả núi để rồi chảy uốn lượn theo chân núi tạo ra một nét vẽ mềm mại và đầy lãng mạn của thiên nhiên giữa một xứ sở chỉ có đá và đá.

Trên đỉnh Mã Pì Lèng (có độ cao gần 2000m so với mực nước biển), chúng tôi thả sức phóng tầm mắt ra xa để thưởng ngoạn không gian hoang sơ của "thiên đường màu xám". Nơi đây chỉ miên man là đá…thấp thoáng giữa những rừng đá là một vài ngôi nhà bé nhỏ bám chênh vênh sườn núi và bóng dáng nhỏ xíu của một số đồng bào người Mông đang mải miết làm việc trên những vách đá cheo leo.

Nhìn họ gùi củi, gùi rau bước đi trên đá núi mà đôi chân vẫn thoăn thoắt như đang đi trên đường bằng, chúng tôi thực sự cảm phục sức sống bền bỉ, "tinh thần đá" của những con người "sống chung với đá" ấy. Có vẻ như ở chốn này, tất cả còn nguyên sơ và đầy bí ẩn.

Đọc tấm bia đá mòn dấu ấn thời gian trên đỉnh Mã Pì Lèng, chúng tôi thêm hiểu và tri ân với công lao to lớn của hàng nghìn thanh niên từ nhiều địa phương của đất nước, từ hơn bốn chục năm trước đã quên mình lao động để tạo dựng  nên con đường qua đèo nối liền các vùng miền hôm nay- Con đường hạnh phúc.

Theo những đường cua miên man trong núi đá, chúng tôi đến thị trấn Đồng Văn với niềm háo hức thăm khu phố cổ. Không sầm uất, nhộn nhịp như Hội An, nhưng phố cổ nơi cao nguyên đá này mang một dáng vẻ rất riêng của phố núi xưa với những ngôi nhà cổ tường bằng đá, trình đất, lợp ngói máng xám cổ.

Nghe nói với cách trình tường khá cầu kỳ nên những ngôi nhà cổ này ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hè. Dù đã hơn trăm tuổi nhưng các ngôi nhà cổ vẫn khá chắc chắn. Người dân nhiều thế hệ vẫn sinh hoạt thuận lợi trong các ngôi nhà cổ. Trong thời gian nghỉ lại Đồng Văn, chúng tôi có dịp được thưởng thức buổi biểu diễn văn nghệ "cây nhà lá vườn" rất độc đáo của các chàng trai, cô gái người Mông, người Lô Lô...Giữa không gian núi đá trầm mặc, tiếng khèn của chàng trai Mông rộn ràng, mê hoặc, cuốn hút, đưa hồn người say theo những nhịp điệu miên man. Rồi tiếng hát lảnh lót, trong veo của cô gái Lô Lô như muốn phá tan cái thâm trầm, lạnh lùng của đá núi, kéo lòng người náo nức hòa theo những làn điệu chân chất của con người vùng cao…

Một trong những điểm cuốn hút ở vùng cao nguyên đá này có lẽ là các buổi chợ phiên của các xã và huyện. Chúng tôi đã được tham dự một phiên chợ đậm sắc màu dân tộc Mông, ấy là chợ phiên Lũng Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) họp trên trục lộ 4C.

Dù đã ít nhiều có sự giao thương với các vùng miền khác, nhưng chợ vẫn mang đậm nét chân chất, hồn hậu, chất phác của một phiên chợ vùng cao. Người theo lối mòn từ núi đá đi xuống, người theo đường liên thôn, liên bản bám quanh các sườn đồi đi ra…Chợ trở thành điểm hội tụ, kết nối, giao lưu gặp gỡ của đồng bào từ các thôn bản xa. Ngay từ sáng sớm, bà con từ khắp các thôn bản đã gùi hàng hoá tới chợ sắp xếp theo đúng khu vực bày bán. Các chàng trai, cô gái có vẻ “đủng đỉnh” hơn chút, diện những bộ váy áo đẹp nhất xuống chợ. Cảnh chợ tấp nập, náo nức, rực rỡ sắc màu như một lễ hội.

Tiếp tục theo con đường độc đạo ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, chúng tôi đi thăm điểm cực Bắc của Tổ quốc - Cột cờ Lũng Cú. Từ xa hướng lên đỉnh núi Rồng, chúng tôi đã thấy lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em kiêu hãnh bay giữa mây trời gió lộng bao la, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hồi hộp leo bộ 286 bậc đá để được đứng dưới chân cột cờ, ai nấy đều thấy tự hào, kiêu hãnh ngắm nhìn non sông, đất nước mình. Các bản làng quần tụ trong các thung lũng, sườn đồi của vùng cao nguyên đá đang từng ngày "thay da đổi thịt". Đồng bào nơi đây với sự hỗ trợ của Nhà nước cũng đang "bật đá" vươn lên phát triển kinh tế- xã hội.

Về xuôi, hình ảnh những con người sống chung với đá, những rừng đá, vườn đá, hoang mạc đá, bờ rào đá…vẫn đậm nét trong tâm trí chúng tôi. Hi vọng những tiềm năng tự nhiên và văn hóa nơi cao nguyên đá này sẽ sớm được “đánh thức”, cuộc sống của đồng bào nơi đây sớm bớt nghèo, bớt khó khăn, để “xứ đá” này thực sự trở thành “thiên đường" đá.

- Theo Dulich Datviet, internet

No comments:

Post a Comment