Saturday, March 10, 2012

P6 - Hải Vân Quan trong sa mù...

(Tiếp tục)
Mục đích chính để bọn mình lên đỉnh Hải Vân không chỉ để ngắm cảnh mà là để tìm hiểu một cung đường rất hiểm trở khác, nhưng đó là chuyện sau.

< Phía dưới là vịnh Nam Chơn ngay làng phong Hòa Vân. Bây giờ đã dược di dời để làm điểm du lịch.

Riêng về Hải Vân (còn gọi là Ải Vân), theo thông tin mình nắm được thì đèo có độ dài 21km vắt ngang qua những ngọn núi cao ngất của dãy Trường Sơn nơi tiếp giáp với biển Đông. Đèo Hải Vân có nghĩa là biển và mây vì sóng biển vỗ chân đèo và quanh năm mây mù bao phủ trên đỉnh, nổi tiếng là đường đèo đẹp nhất và cũng hiểm trở nhất Việt Nam trên hành trình vào Nam ra Bắc từ khoảng 700 năm qua, với độ cao ở đỉnh đèo là 496m so với mực nước biển.

< Khởi đầu con đèo là dòng thông báo: 'Đèo dốc quanh co liên tục, đề phòng tai nạn'.

Chưa ai biết chắc được đèo Hải Vân có từ bao giờ nhưng dấu vết tiền nhân vẫn còn để lại là Ải Vân Quan được xây từ năm 1826 - thời vua Minh Mạng và được nhà vua cho treo biển "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".

< Cho rằng nguy hiểm nhưng mình thấy các con đường quanh co lên đỉnh Sơn Trà 'ác đạn' hơn rất nhiều.

Sau đó, ông đã cho xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc cho dễ đi lại tu sửa đường trên đỉnh đèo. Tuy nhiên, mới chỉ cách đây 100 năm thì muốn ra Huế hay vào Đà Nẵng có thể nói cực kỳ khó khăn (nhất là trong mùa mưa bão) vì đường đèo đầy sỏi đá, quanh co và rất nhiều dốc đứng...

< Chạy qua cầu Đôi, cầu này bắt ngang lạch nước nhỏ - có lẽ trong mùa mưa là suối.

Phần khác; do đường đèo khi xưa còn sơ khai nên việc đi xuyên qua những vạt rừng rậm với cây cối um tùm... Hồi ấy, người dân còn đối diện với nỗi ám ảnh thường xuyên lúc gặp thú dữ, nhất là cọp. Xem bài: Đi bộ thì khiếp Hải Vân…

< Đèo vắng bởi đa phần đã vượt bằng hầm đường bộ. Nhưng vắng vậy thì khách du lịch mới khoái!

Bởi thế, người dân không đi một mình mà nhập thành từng đoàn hoặc cùng lắm là những tốp nhỏ năm, ba người nhằm bảo vệ lẫn nhau. Họ thường cầm mác hoặc rựa. Không có thì ít ra cũng thủ sẵn đùi tre vót nhọn làm vũ khí hộ thân. Bấy giờ, đường núi rất hẹp, khúc khuỷu, có nhiều chỗ bị những tảng đá gồ ghề chắn mất lối đi nên phải chặt cây phạt cỏ, băng khe lội suối...

< Vẫn trong giai đoạn đầu của đèo, nhìn xuống thấy vịnh Nam Chơn. Trời lúc này mát, gió nhẹ.

< Tỉnh thoảng gặp một người dân đi bộ, gặp một miếu nhỏ ven đường. Đây có thẻ là nơi trước kia từng xẩy ra tai nạn chết người...

Vì vậy thời ấy mới có câu hát khá phổ biến trong dân gian rằng: “Đi bộ thì khiếp Hải Vân/ Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi”. Do đường xá khó khăn cách trở nên việc trao đổi hàng hóa, lương thực, thực phẩm... giữa Huế và Đà Nẵng chủ yếu sử dụng tuyến đường biển.

< Một màu xanh của núi và rừng - mong rằng những thứ này sẽ giữ được mãi: Còn rừng còn nước còn sự sống - mất rừng mất nước, mất tương lai.

< Dừng lại ngắm cảnh ở một dốc cao cạnh vực thẳm. Phía trước có một cặp người nước ngoài cũng đang thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên.

< Mũi Hòn Hành ngoài kia, cái chỏm núi tròn tròn...
Bên kia mũi là một bãi biển nhỏ, đẹp nhưng không có đường ra ngoài cách băng rừng.

Đèo? Như bạn thấy đấy: để làm đường băng qua những rặng núi, cụm núi thi không thể làm một con đường từ chân núi băng qua đỉnh đổ về bên kia được vì đơn giản là nó ngăn thật nhưng quá dốc, dốc đến mức xe tăng cũng khó mà qua được.

< Rất nhiều điểm có đường cứu nạn ở các cua gắt: xe nào mất thắng thì ủi vào đó để toàn mạng.

Do vậy phải kéo dài đường ra rằng cách vòng vo men theo sườn núi này đến núi khác nhằm làm giảm độ dốc. Biết bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào con đèo để Hải Vân có hình dáng như bây giờ.

< Đất trời cùng đẹp, cùng nên thơ... cho đến cả cây cỏ dại...

< Cần cẩn thận vì bất chợt có thể xuất hiện một đàn bò, Đâm vào: bò' lên tiên' thì đỡ, chỉ ngại ta xuống âm ty!

< Càng lên cao, trời càng lành lạnh hơn - chắc chút nữa gặp sương mù quá.

< Vắng tèo teo nhưng bạn đừng ngại nếu hư xe hay xẹp bánh. Ven đèo có ghi số điện thoại khi gặp sự cố, đây là số ĐT của ông Nguyễn Bừa, ông trên đỉnh đèo.

Nói đi đèo nguy hiểm, thật ra các đèo bây giờ được tu sửa nhiều làm giảm độ cao (không quá 10°), các khúc cua gắt được mở rất rộng và đủ rào bảo hiểm nên thật lòng mà nói: so với đường quanh co, dốc 15° lên đỉnh Sơn Trà thì ở đây không si nhê gì cả, bạn đừng quá ngại khi đi đèo nhé!

< Hàng loạt biển báo nguy hiểm xuất hiện bên trái đường. Trông như ở cuối làn cất cánh của đường băng trên phi đạo...

< Rồi mịt mù khói sương, bọn mình đã đến đỉnh cao nhất của đèo Hải Vân! Giật mình vì đường mòn rẽ nhánh vào Bãi Chuối qua lúc nào không hay, thôi dành cho lúc về vậy.

< Hải Vân Quan trong sa mù mờ ảo. Muốn thấy rõ và đẹp thì chỉ còn nước chuyển sang ảnh HDR.

Ngày nay đèo Hải Vân trở thành con đèo đẹp, rộng và cũng là ranh giới tiếp giáp giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Từ khi hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân được đưa vào sử dụng đầu năm 2005 thì Hải Vân đã trở thành con đường du lịch, nơi thưởng ngoạn lý tưởng của lữ khách vào Nam, ra Bắc.
< Dừng xe ven đèo, mình nghe rõ ràng tiếng người bên kia đường nhưng sương mịt mù nên cũng chả biết quang cảnh bên đó ra sao. Mãi một hồi sương tan bớt thì thấy dãy nhà bên kia.

< Cổng Hải Vân Quan.



< Nhiều thế kỷ trước: người xưa đi qua Hải Vân bằng lối này. Còn bây giờ là khách Tây... và mình.

Rất nhiều khách du lịch trong nước, đặc biệt là khách nước ngoài dừng chân trên đỉnh đèo để tham quan khung cảnh tuyệt đẹp tại đây.


< Một tháp canh.

< Trên này nhìn xuống dưới, sao pà xã không lên cà?

< Dự định đơn giản nhất là chạy xe máy lên cái dốc rất gắt của Đài Vi ba cũng phá sản khi thời tiết đầy sương mù như thế này: bất khả thi - mà có lên cũng chả thấy gì cả.
< Nếu nhìn từ đài Vi Ba sẽ có những góc ảnh rất đẹp nhìn bao quát cả một phần cảnh vòng vèo của đèo.
Dự tính không thành nhưng thật lòng mà nói thì đỉnh Hải Vân phủ sương mù cũng có một vẻ đẹp rất riêng, mình khó có thể diễn đạt cho ra trò.

< Tơ nhện cũng phủ đầy sương nước: mấy chú nhện chắc xem những giọt sương mát lạnh này như Coca Cola nhỉ?
Chút sau, mình xuống Lăng Cô rồi trở về đây: râu tóc cũng lốm đốm đầy sương, nước chạy thành giọt xuống cằm.

< Mang theo chân máy ảnh nhưng không chụp được cảnh xa, thôi chộp bậy lão Điền này vậy!

< Phê sương cho đã rồi thì bọn này lấy xe, chạy về hướng Lăng Cô. Đường đèo vẫn mịt mù trong ánh đèn Win leo lét...

Trong những ngày nắng tốt, từ đèo Hải Vân nhìn bao quát về phía bắc là cảnh đồi núi trập trùng với mây trắng bay là đà, xa xa là đầm Lập An, làng chài Lăng Cô đẹp như tranh vẽ. Phía nam, sóng biển vỗ quanh theo triền núi, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân rẽ sóng chạy ra khơi... Bạn sẽ thấy Hải Vân vẫn là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".

Còn tiếp
-

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...

1 comment:

  1. đèo hải vân đã quá nổi tiếng nhờ bài qua đèo ngang, bất cứ ai dù chưa đến hay ở miền nào đều biết đến đèo ngang
    north vietnam motorbike tours Loop Bike Tours

    ReplyDelete