Monday, March 12, 2012

Lên thác Chín Tầng Xuân Sơn

Thác Chín Tầng nằm trong địa phận Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Con đường đi qua cánh đồng xã Kim Thượng hai bên là rừng keo, rừng bồ đề đang khép tán.

< Cô nông dân người Dao Bàn Thị Đào.

Đến bản Tân Oong, chúng tôi dừng chân tại nhà vợ chồng Bàn Minh Chọt và Bàn Thị Đào ở cuối xóm để thuê người dẫn đường. Được biết trong khu vực này có ba bản người Dao là Tân Oong, bản Soan và bản Dâm, mỗi bản có từ 35 đến 40 nóc nhà, bản nào cũng có đường bê tông chạy từ trung tâm xã Kim Thượng đến cuối bản. Bản Tân Oong có 35 hộ.

Nhà Chọt – Đào ở giữa bản. Vì bận làm giúp hàng xóm nên Chọt bảo vợ đi dẫn đường cho khách. Ngay phía sau nhà Chọt đã là rừng tự nhiên, suối chảy ầm ào. Xuất phát từ nhà vợ chồng Chọt – Đào lúc 8h50. Đường mòn giữa rừng nguyên sinh nhiều tầng, nhiều tán, phải qua Bưa Vải, Bưa Trình. Bưa Vải là nơi ngày xưa có cây vải lớn ở chân núi Lạc Lèn, những bậc thang lúa nước ôm một góc đồi.

< Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Sát vạt ruộng là rừng cây bụi lúp súp xen lẫn chuối rừng và sa nhân. Trong trập trùng rừng nguyên sinh Xuân Sơn, may mắn vạt rừng kiểu thứ sinh này chỉ là một chấm nhỏ. Chúng tôi không làm sao theo kịp Bàn Thị Đào. Cô bảo: - Các bác cố gắng lên một đoạn nữa mới thấy đẹp”. Tôi nói: - Leo lên được, nhưng lúc xuống mới đáng lo. Thôi thì cứ lên, ắt thế nào cũng xuống được! Đi tiếp qua Bưa Trình thì đến chân thác nước.

Gọi tên thác Chín Tầng bởi nó là một đoạn suối có độ dốc lớn kéo dài hàng cây số, liên tiếp có các thác nước cao thấp, to nhỏ khác nhau. Nước chảy trắng xóa, sôi réo ì ầm. Đi đường nắng nóng là vậy mà vào đến thác, cảm giác mát lạnh ùa đến cùng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ làm ai cũng thú vị đến sững sờ. Leo đến một đoạn thác khá cao, nhìn lên thấy dựng đứng, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi ít phút để chụp ảnh. Lúc xuống, Đào lại dẫn sang một đường khác, quanh co một chút nhưng an toàn.

< < Một vạt rừng nguyên sinh.

Đào bảo: -Hôm nay mới đi được một nửa thôi. Ở trên cao thác nước còn đẹp hơn. Đi hết thác nước thì sẽ gặp hang động. Có nhiều hang nhưng có một cái hang to, dài ở gần bờ suối rất đẹp! Tôi hỏi tên hang thì Đào  cũng không biết. Trên đường về, qua rừng chuối, Đào không quên chặt mấy cái hoa chuối. Vừa chặt cô vừa nói: Em lấy để  các bác đem về làm nộm!

Về đến bản Tân Oong lúc 12h30. Do đã đặt hàng với vợ chồng Chọn - Đào trước nên chúng tôi chỉ việc ngồi vào mâm. Trong khi ăn cơm, ông chú của Đào bảo cái hang trên đỉnh núi Cọ tên là hang Mèo. Không phải là con mèo mà là vì ở đấy có nhiều đá tai mèo mà! Ông kể: Đã có nhiều cán bộ đến khảo sát để làm đường khai thác du lịch. Mới đây  nghe nói ngành Kiểm lâm định mở con đường bê tông rộng 1 m để đi tuần tra.

Chúng tôi hẹn với cô gái người Dao mau miệng hay cười rằng, lần sau sẽ mang thức ăn theo để có thể đi cả ngày quyết vào bằng được hang Mèo. Nghe vậy Đào bảo: -Thế thì em sẽ đem theo trang phục người Dao để chụp ảnh”.

< Một phần của thác.

Nghe câu nói vô tư từ miệng cô gái Dao đã gợi mở trong chúng tôi bao điều. Thác Chín Tầng giữa rừng nguyên sinh Tân Oong là một tiềm năng có thể đầu tư khai thác du lịch. Người nông dân bản Tân Oong cũng có thể tham gia làm dịch vụ du lịch giống như việc Bàn Xuân Lâm bên xóm Dù xã Xuân Sơn, vừa dựng nhà sàn, phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ cho cả trăm người, vừa tổ chức hướng dẫn du lịch.

Đã từng được đến bản Lác ở Mai Châu ở Hòa Bình; bản Bó, bản Tông ở Sơn La; ở đấy tôi biết họ có các đội văn nghệ múa hát những điệu múa, bài hát truyền thống đặc trưng của dân tộc mình phục vụ khách du lịch, mời khách ăn những món đặc sản rất ấn tượng. Người Mường, người Dao, người Mông ở Phú Thọ cũng có những sản phẩm văn hóa đặc sắc như hát Giang, hát Ví, múa cồng chiêng, múa Lập Tỉnh, múa khèn Mông..; về ẩm thực cũng có những đặc sản như gà nhiều cựa, rêu đá, rau sắng, ong rừng...

Nên chăng các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Văn hóa – du lịch tìm cách giúp đỡ các làng bản khôi phục, nâng cao những điệu múa, bài hát truyền thống để phát triển mô hình du lịch cộng đồng?

Khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn địa bàn rộng, nhiều cảnh quan đẹp có thể phát triển loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng; kết hợp nông nghiệp, lâm nghiệp với các nghề thủ công như thêu ren thổ cẩm, mây tre đan mỹ nghệ để cải thiện đời sống cho nông dân mà ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã manh nha hình thành một cách tự phát, để nơi đây trở thành điểm đến trong các tour du lịch.

- Theo báo Phú Thọ, internet

No comments:

Post a Comment