Saturday, March 31, 2012

Nên thơ núi Cấm

Núi Cấm còn có tên là Thiên Cấm Sơn, được người đời ví là Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa), một ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn, nằm trong khu tam giác Tịnh Biên-Nhà Bàng-Tri Tôn, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang.
Nơi đây phong cảnh hữu tình như một bức tranh sơn thủy làm xao xuyến tâm hồn du khách trong nước và quốc tế mỗi dịp ghé thăm.

< Chùa Phật Lớn tại núi Cấm Sơn.

Có rất nhiều giai thoại để giải thích tên núi Cấm. Núi Cấm hay Cấm Sơn là tên gọi chính thức bằng văn tự đầu tiên xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí được biên soạn vào cuối thế kỉ XIX. Sách miêu tả rằng: “...thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong bảy núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót”.

< Tượng Phật Di Lặc lớn nhất Đông Nam Á uy nghiêm trên núi Cấm Sơn.

Còn trước đó, theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, ngọn núi này được gọi là núi Đoài Tốn, và tác giả cho biết núi cao 50 trượng, chu vi 20 dặm dư hình như cái đài cao, nghiễm nhiên ở về cung Thìn Tỵ nên gọi là núi Đài Tốn...

< Bàn tay bắt quyết và chuỗi vòng của tượng Phật Di Lặc.

Núi Cấm ở độ cao 705m, chiếm chu vi 28.600m. Ngày nay đã trở thành một khu du lịch tuyệt vời nhờ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Khí hậu trên núi Cấm chịu ảnh hưởng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 25oC. Lí tưởng nhất là vào mùa xuân, cây cối xanh tươi, sản vật dồi dào, khí hậu mát mẻ trong lành. Trên các vồ núi cao, trời về đêm lành lạnh, sáng sớm sương trắng phủ đầy, mây chiều là đà vương đầu núi.

Từ trên các đỉnh cao, khách tham quan có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh những cánh đồng lúa mênh mông đến tận vùng biển Hà Tiên và biên giới Tây Nam.

< Du khách tham quan và dâng hương ở tượng Phật Di Lặc.

Gọi là Thiên Cẩm Sơn vì ngoài những danh lam thắng cảnh, núi Cấm còn có môi trường thiên nhiên hấp dẫn, hoa lá bốn mùa tạo nên một bức tranh “cẩm tú sơn kì”, nổi tiếng với nhiều đỉnh cao thấp khác nhau gọi là vồ, mỗi tên vồ đều gắn liền với một truyền thuyết và mang nhiều ý nghĩa kỳ thú như vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hông, vồ Ông Bướm, vồ Đầu, vồ Bà… Đó là năm vồ hay năm non mà khách hành hương thường hay đến để chiêm bái.

< Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong chánh điện chùa Phật Lớn.

Ngoài ra, dọc theo các lối đi, du khách còn có dịp khám phá thêm nhiều điểm hấp dẫn khác như vồ Pháo Binh, vồ Chư Thần, điện Rau Tần, điện Cửu Phẩm, điện Mười ba tầng, đặc biệt là điện Kín, điện Cây Quế, hang Ông Hổ, động Thủy Liêm, vồ Mồ Côi, miếu Mười Cô… mỗi nơi đều có một sự tích ly kỳ, một không gian huyền ảo đầy màu sắc tín ngưỡng, như gợi lại thời hoang sơ từ thuở khai sơn phá thạch.

< Một góc phong cảnh Chùa Phật Lớn trên núi Cấm Sơn.

Nhờ cảnh quan tươi đẹp và những rừng cây thoáng mát, với nhiều gốc cổ thụ trăm năm sừng sững giống như những tán dù khổng lồ đã tạo cho núi Cấm trở thành một khu du lịch sinh thái lý tưởng.

< Một quầy bán đồ lưu niệm ở núi Cấm Sơn.

Lên núi Cấm, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh của núi rừng Tây Nam, thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại xoài núi, mít núi, chuối, sầu riêng, bơ và mảng cầu núi, du khách còn có dịp dừng chân nơi các quán võng tha hồ nghe tiếng suối róc rách hoặc ngủ đêm tại các quán trọ để lắng nghe hơi thở của núi rừng. Nếu có thời gian, du khách sẽ viếng thăm các ngôi chùa khá thâm u như chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, Trung Sơn Thiên Tự...

< Bảo tháp Chùa Vạn Linh trên núi Cấm Sơn.

Chùa Vạn Linh nằm cạnh khu rừng bốn mẫu trồng toàn tràm bông vàng và keo tai tượng. Năm 1929, hòa thượng Thích Thiện Hạ Quang chỉ dựng lên một cái am bằng cây lá đơn sơ để ẩn tu. Vào năm 1940, cái am nhỏ đó mới bắt đầu đổi thành chùa Vạn Linh. Đến năm 1995, chùa bắt đầu được xây dựng lại thành một quần thể kiến trúc tôn giáo quy mô. Bản thân của ngôi chùa này đã là một nguồn mĩ cảm, ấn tượng nhất là ba ngôi bảo tháp trước tiền đường, cao 40m gồm 9 tầng, mỗi tầng trưng bày một tượng Phật cưỡi mãnh thú cao trên 2m bằng đá Thanh Hóa được điêu khắc cực kì tinh xảo tạo nên một phong cảnh trang nghiêm và trầm mặc.

< Chiều về trên huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang, nhìn từ núi Cấm Sơn.

Một điểm mà du khách đặt chân đến núi Cấm luôn muốn ghé qua đó là tượng phật Di Lạc. Bức tượng Phật Di Lặc cao nhất Đông Nam Á với 33,60m sừng sững giữa một vùng cây cối xanh um, rộng trên 2ha, mặt hướng về chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh.

Đây là một công trình nghệ thuật, một kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi. Điều kỳ thú nhất là khách tham quan đứng ở bất cứ nơi nào trên các vồ núi cũng đều nhìn thấy tượng Phật màu trắng sáng, ngồi uy nghi giữa một không gian xanh ngát với nụ cười bao dung và thánh thiện.

- Theo Baoanh Vietnam

Khu mộ địa thái giám độc nhất Việt Nam

Thái giám chỉ chiếm số lượng nhỏ trong xã hội phong kiến và không thuộc về một giai cấp nào trong xã hội. Họ suốt đời chỉ ở trong cung cấm và chỉ là những kẻ nô bộc tầm thường.

Tuy nhiên, họ luôn được cận kề bên vua chúa nên họ nắm trong tay một quyền lực vô hình. Họ sống khác người và cái chết của họ cũng thật khác người.

< Cổng chùa Từ Hiếu.

Trong cuộc sống xô bồ của phố thị, có một khu mộ địa dành riêng cho các thái giám mà rất ít người biết đến. Khu mộ địa nhỏ bé, trầm mặc nằm một góc trong khu vườn chùa Từ Hiếu, thuộc thôn Dương Xuân, xã Hương Thủy, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

Thân phận "không đàn ông cũng chẳng đàn bà"

Ảnh hưởng từ nền văn hóa phương Đông, chế độ phong kiến Việt Nam cũng tuyển chọn thái giám (còn gọi là hoạn quan) để giám sát, hầu hạ đội ngũ phi tần, cung nữ, hoàng hậu, công chúa và là người sai vặt của vua. Bởi vậy, những thái giám phục vụ trong cung phải chấp nhận thân phận "không đàn ông cũng chẳng đàn bà".

Trong lịch sử Việt Nam cũng có những vị thái giám để lại tiếng tăm cho đời. Họ được tham gia triều chính, tuy nhiên còn phụ thuộc vào sự thịnh vượng của vương triều và vị vua của họ. Điển hình như vị anh hùng -  danh tướng Lý Thường Kiệt cũng là hoạn quan dưới ba triều vua Lý. Hoặc như Tả quân Lê Văn Duyệt... Tuy nhiên số đó rất hiếm hoi.

Khu mộ địa mà trong bài viết này đề cập hầu hết đều là những thái giám thuộc triều Nguyễn. Trong vương triều nhà Nguyễn, đội ngũ thái giám cũng được tuyển rất nhiều. Tùy từng vị vua mà có số lượng nhiều hay ít. Sau khi vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, chính thức lên ngôi, việc tuyển thái giám không còn nữa. Các thái giám được tuyển từ những đời vua trước đó sống ở trong cung chỉ lo việc quét dọn sân vườn, chăm cây cảnh chứ không còn phải lo việc "chăn gối" cho vua nữa.

Sau khi phục vụ trong vương triều, về cuối đời các thái giám triều Nguyễn phải cư trú ở một ngôi nhà phía Bắc hoàng thành gọi là Cung Giám viện. Họ không được chết ở những chốn linh thiêng như trong Đại nội hoặc bên lăng tẩm các vị vua. Để chống đỡ sự tuyệt tự và cô độc, neo đơn của tuổi già, nhiều thái giám đã xin nhận con nuôi để có người hương khói sau khi chết.

Số khác chọn cách lấy vợ, do mất khả năng sinh con, họ lấy phụ nữ già để bầu bạn những tháng ngày cuối đời. Một số ít thái giám may mắn hơn thì về quê sống với họ hàng. Cũng có những vị thái giám, vì lo lắng không có chốn khi nằm xuống, bát hương sẽ lạnh trong ngày giỗ nên khi còn sống họ đã liệu tính cho mình một nơi an nghỉ.

Trong xã hội phong kiến, thái giám không thuộc về giai cấp nào, họ suốt đời gần như chỉ ở trong cung cấm. Bởi vậy, tên tuổi của những thái giám triều Nguyễn ít khi được nhắc đến. Sử sách viết về thái giám cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những gì còn lại về thái giám triều Nguyễn cho đến ngày nay chỉ là khu mộ địa nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu nói trên.

Khu mô địa duy nhất Việt Nam

Cách thành Huế khoảng chừng 7km về phía Tây Nam, chùa Từ Hiếu tọa lạc trên một vùng đồi núi, có phong cảnh trầm mặc, u tịch của chốn Phật. Cách ngôi chính điện của chùa khoảng 50m về hướng trái là khu mộ địa của các vị thái giám trong không gian tĩnh mịch đến u buồn.

Theo những tài liệu các nhà nghiên cứu Huế cho biết, năm 1943, dưới thời vua Thiệu Trị, thái giám Châu Phước Năng đã đứng ra quyên góp tiền trùng tu chùa Từ Hiếu -  một ngôi chùa khá nổi tiếng, lấy đó làm chốn an nghỉ cuối cùng.

Đến năm 1893, nhiều thái giám dưới triều vua Thành Thái tiếp tục đóng góp tiền của để tu sửa lại chùa. Thành lệ, hàng năm các thái giám đều góp phần công đức để sau khi chết, họ được nhà chùa mai tang và cúng giỗ. Chùa Từ Hiếu dần trở thành nơi an nghỉ của các thái giám triều Nguyễn. Tuy nhiên, không phải tất cả thái giám đều được chôn tại đây.

Theo sự khảo sát rất tỉ mỉ của các nhà Huế học: Khu mộ hình chữ nhật với diện tích gần 1.000m2, có chiều dài 26,03m và rộng 19,05m. Được bao quanh bởi bốn bức tường dày 0,79m; cao 1,78m. Ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám.

Các ngôi mộ có 3 dãy, hàng thứ nhất mộ to, hàng thứ ba mộ nhỏ hơn hàng thứ hai vì được xếp theo chức vụ của quan Thái giám xưa.  Số mộ đếm được là 25 ngôi, có 2 ngôi mộ gió chưa có Thái giám nào được chôn. Trong đó, 21 ngôi còn nguyên vẹn, có bia khắc tên tuổi, quê quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất.

Rõ ràng nhất là bia số 22 (ở dãy trong cùng) có khắc: Hoàng triều Cung Giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, người ở thôn Nhi, xã Hoàng Công, tổng Hoàng Công, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội. Mất ngày 15 tháng Giêng năm Khải Định thứ V (1920).

Nhiều bia mộ khác vẫn còn đọc rõ chữ. Xúc động nhất là tấm bia ký sắc nằm ở phía mặt tiền. Bia chỉ cao quá 1m, rộng hơn 0,5m nhưng nội dung khiến người đọc không khỏi xót xa: "Nhân nghĩ rằng nếu không lo kể về sau, khi còn sống thì nương nhờ chốn Phật, mà khi chúng ta chết thì biết nương tựa vào đâu.

Nhận thấy ở góc thành phía Tây Nam có một đám đất, lấy gạch xây thành để về sau làm nơi chôn mộ. Ở đó làm một cái am lợp ngói để thường năm thờ cúng, gần nơi của Phật mới là nơi thừa tự lâu dài. Và ngày thường cùng bằng hữu nếu ai ốm đau có chỗ ra vào dưỡng bệnh, khi nằm xuống có chỗ tống táng".

Cổng chính giữa có đặt một tấm bia đá được dựng từ năm 1901 do học giả - đại thần Cao Xuân Dục soạn, ghi lại những tâm sự của Thái giám triều Nguyễn: "Trong khi sống chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến lánh mình và sau khi chết được an táng cùng nhau. Sống hay chết ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh".

Nhìn cảnh tượng 25 nấm mồ của các những thái giám rêu phủ giữa chốn u tịch khiến những ai đến thăm không khỏi chạnh lòng. Vẻ trầm mặc rêu phong cùng những câu chuyện, những thân phận đằng sau cánh cửa vàng son càng khiến cho hậu thế không khỏi day dứt.

Rớt nước mắt trước những ngôi mộ bị lãng quên

Một thời vàng son đã khép lại, mỗi khi nhắc đến Huế, nhiều người vẫn còn nhớ khá rõ về những giai thoại về các vị vua chúa, quan lại triều Nguyễn... Thế nhưng, nhắc đến thân phận thái giám rất ít ai để ý đến. Nhiều du khách đến thăm Huế, thăm chốn thần kinh, lăng tẩm nhưng ít ai biết đến những thái giám vốn là những người góp phần quan trọng trong việc cai quản dưới thời các triều đại. Những gì còn lại đối với những thái giám chỉ còn lại chút ngậm ngùi, thương xót cho những kiếp người "sống cô độc, chết trong hoang lạnh".  

Theo tục lệ, hàng năm cứ đến rằm tháng 11, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người đã mất, trong đó có thái giám triều Nguyễn. Còn những ngày bình thường, khu mộ địa vắng bóng, ít người qua lại. Mặc dù nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu nhưng khách thập phương chỉ quan tâm đến cúng bái, hành hương, ít ai để ý đến những ngôi mộ này.

Nếu không có các sư của chùa quét dọn và hương khói thì chắc các ngôi mộ này đã bị hủy hoại theo thời gian. Cuộc đời của những thái giám khi còn sống phải chịu thân phận hầu hạ trong bốn bức tường của cung cấm, khi cuối đời cũng phải chịu số kiếp cô đơn, lặng lẽ nơi bốn bức tường của khu mộ địa vắng lặng này.

Những vị sư trong chùa cho biết, "ngày thường rất ít người ghé vào khu mộ địa này. Chỉ thi thoảng, một vài người họ hàng của các vị thái giám vào đây thắp hương. Tuy nhiên, họ cũng vội đến rồi lại vội về, mất hút dưới những tán rừng thông. Dường như họ không muốn ai biết mình có bất cứ mối quan hệ nào với thái giám hay nghe ai hỏi về cuộc đời của những con người "sinh ra chẳng được mấy ai chấp nhận".

- Theo Datviet, ảnh internet

Về miền cổ tích Xín Mần

Dừng chân ở đỉnh Đèo Gió trong đại ngàn rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi rồi thả hồn mơ màng bỗng chốc đưa ta về quá khứ hình thành trái đất. Những cây Sến ngàn tuổi cao vút tầm ngắm, treo lơ lửng trên cành những giò lan đa sắc mầu.

Tiếng nước đổ ầm ào ở thác Tiên, di sản danh thắng Quốc gia nườm nượp khách. Hết ngắm rồi lại thưởngthức chút thịt cá Tầm, Hồi Vân, đem nướng, nấu, ăn lẩu, ăn tái, uống chút rượu Làng Táo có gốc gác từ Bản Ngò, ngân nga vài câu ca dao lãng đãng làm cho mùa Xuân nơi rừng thẳm thêm Xuân càng trở nên sâu thẳm.
Rừng già Đèo Gió có diện tích trên 18 ngàn ha, bao gồm cả vùng đệm. Thực vật rừng rất đa dạng sinh học được bảo tồn. Ngay trên Thác Tiên chảy trong rừng già xuống, du khách tha hồ dạo chơi, ngắm thiên nhiên núi rừng và thả hồn vào cõi bồng lai.

Ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc nằm giữa đỉnh đèo, cạnh chiếc bốt được thực dân phong kiến xây dựng khi xưa để lại đang trầm mặc với thời gian. Mùa Xuân vui chơi ở nơi rừng già cổ xưa, thưởng thức đôi chút đặc sản vùng miền để cho lòng nhẹ đi sau những tháng ngày vất vả.

Xuôi về xã Nấm Dẩn ẩn ngay sát chân Đèo Gió, sự sống nơi này đã hừng hực. Nấm Dẩn giờ đây nhà cao tầng, điện, đường, trường, trạm, chợ đông vui có đủ sắc mầu của cuộc sống công nghiệp.

Gần 7 năm trước, Nấm Dẩn còn nghèo lắm. Song nhờ giải pháp “Dồn điền – đổi thửa”, sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân không cam chịu đói nghèo, đã từng bước vươn lên xây dựng Nấm Dẩn thành “vùng động lực” cụm xã cho cả vùng Đèo Gió.

Trong quá trình xây dựng, khám phá, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ngay trên thôn Nấm Chanh, Nấm Chiến có dấu hiệu sinh sống của người Việt Cổ thời tiền sử. Trong 7 vùng đá phát hiện trên 84 ký tự mang biểu tượng phồn thực có tuổi trên 2.000 năm. Nơi phiến đá to nhất được gắn biển di tích Quốc gia cần được bảo tồn, nghiên cứu phục vụ khoa học.

Lạ thật, ngay dưới chân dãy núi đá trắng dựng đứng người Việt Cổ xưa đã chọn nơi này làm nơi sinh sống, trú ngụ, để rồi hơn 2.000 năm sau các ký tự để lại trên các phiến đá “níu” chân các nhà khoa học. Khi di tích được xếp hạng Quốc gia càng làm cho Đảng bộ, nhân dân Nấm Dẩn tự hào, tự hào để phấn đấu, để đi lên cho xứng tầm di khảo của tổ tiên để lại.

Các cán bộ cơ sở cho rằng, sau “dồn điền – đổi thửa” để xây dựng hạ tầng cơ sở sẽ tiến tới “dồn điền – đổi thửa” để xây dựng các vùng, làng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa. Phát triển sản xuất, coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, tạo nguồn lực mới đáp ứng cho phát triển trong xu thế cả nhân loại hội nhập lại, đoàn kết lại để đẩy lùi nghèo đói, bệnh tật, chung sức làm ăn vì một thế giới hòa bình, không có người bóc lột, chia rẽ.

Chợ phiên Nấm Dẩn bày ra trước mắt đủ loại hàng nông sản, đặc sản. Bên những chảo thắng cố già trẻ, trai gái quây quần nâng bát rượu nồng chúc tụng mùa Xuân và những tháng ngày xanh. Nghe câu hát cọi của cô gái Nùng, Tày ngồi bên gành đá trắng mà chợt nao lòng.

Du Xuân lên biên ải qua cửa khẩu Mốc 5 để được thấy biên giới mênh mang, bờ cõi của Tổ quốc thiêng liêng trong tiếng gọi lên đường bảo vệ Tổ quốc. Điệu xòe của cô thôn nữ Mông uyển chuyển theo tiếng khèn môi nồng ấm. Xín Mần có 4 xã biên giới với chiều dài trên 32,5 km đi qua 36 thôn bản. Đồng bào vùng biên ngày đêm bám đất, bám làng, xây dựng đời sống mới. Không biết bao nhiêu mối tình sâu nặng của đồng bào với những chiến sỹ biên phòng gắn bản đã “bén rễ, xanh cây”.

Chợ Mốc 5 ngày Xuân tấp nập người mua, kẻ bán. Chọn cho mình chút quà kỷ niệm trở về xã Xín Mần, xuống Thèn Phàng, Bản Díu khám phá đỉnh Gia Long cao 2.000 m huyền thoại. Nơi này có số đông là người La Chí, Nùng, Mông, Pu Péo sống quây quần. Món ăn ngày Xuân là thịt ngựa làm thắng cố của người La Chí, mèn mén xôi chan canh cải nấu gừng của người Mông, thịt lợn treo hun khói của người Nùng sào với lá tỏi tươi, uống rượu men lá rừng v.v... hẳn ai đến mà không say. Say trong cái tình, cái nghĩa của đồng bào ai mà không muốn say?

Và kia, dòng sông Chảy nơi đầu nguồn con nước đổ về đất Việt nghe tiếng nước reo vui chảy vào trong tuốc bin thủy điện sông Chảy 5 ở Thèn Phàng mà cứ ngỡ trong chiêm bao. Theo quy hoạch của Sở Công thương, Xín Mần có 4 thủy điện. Trong đó trên Sông Chảy có 2 nấc thang là Sông Chảy 5, Sông Chảy 6. Khác với các nấc thủy điện nhiều nơi đó là thủy điện nơi đây có độ cao, dốc lớn. Việc đắp đập, ngăn sông không mấy diện tích, ít tổn thương môi trường, đem lại lợi ích lớn cho năng lượng nước nhà đang thiếu.

Ông Hà Xuân Bình, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Năm 2011 đến 2015 được Đảng bộ, chính quyền xác định là giai đoạn thúc đẩy du lịch, dịch vụ, thương mại. Trong đó, năm 2011 xác định là “Năm du lịch Xín Mần nơi có nhiều vùng “cổ tích”. Mốc “cổ tích” được đánh dấu từ “điểm nhấn” du lịch sinh thái và khám phá: Đèo Gió – Thác Tiên.

Từ Đèo Gió xuống Bãi đá cổ 2.000 tuổi về Cốc Pài lên Nàn Ma, Mốc 5, xuôi xuống các bậc thủy điện hay ngược núi lên đỉnh Gia Long. Phía bờ Đông sông Chảy có xuất phát điểm từ thủy điện sông Chảy 5 lên Ngán Chiên – Trung Thịnh – Cốc Rế – Thu Tà – Chế Là “Mật Chế Là – Chà thơm Cốc Rế... đã trở thành câu ca dao quen thuộc trong lòng du khách. Điểm nhấn thứ nữa là đi Đèo Gió, về Quảng Nguyên nơi có thủy điện Nậm Lì, suối nước nóng Nậm Choong rồi ngược Vinh Quang, Cao Sơn khám phá vùng chè núi Cổ thụ và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng sơn cước.

Còn ai đó mạnh mẽ hơn nữa, thích khám phá hơn nữa sẽ đi Pà Vầy Sủ xuống Ma Lì Sán nơi Cột mốc số 1 ngã ba sông, nơi đuôi “con cáo” điểm chốt thống nhất, sâu nhất của mảnh đất Xín Mần, của tỉnh Hà Giang. Xín Mần là huyện độc đáo của Hà Giang có 2 di tích được xếp hạng Quốc gia. Nơi có đậm bản sắc văn hóa vùng miền Tây tỉnh Hà Giang. Và là nơi có “tấm lòng” hồn hậu đón khách.

Mùa Xuân này hãy dành chút thời gian về với “Năm du lịch Xín Mần” về vùng miền cổ tích sẽ là những điểm đầy bất ngờ của những chuyến du Xuân.

- Theo Luhanhviet, internet

Dạ Lê - Chợ nón nổi tiếng ở Huế

Đến Huế, hỏi già trẻ ai cũng biết có một cái chợ chuyên mua bán đủ loại nón Huế. Đó là chợ nón Dạ Lê (thuộc xã Thuỷ Văn, huyện Hương Thủy). Chợ Dạ Lê độc đáo nhất ở Huế, bởi vì mặt hàng duy nhất mua bán hàng ngày nơi đây chỉ toàn nón và nón… Hầu như những chiếc nón Huế đi ra khắp bốn phương trời đều khởi từ chợ nón Dạ Lê.

Chợ nón Dạ Lê xuất hiện hơn trăm năm rồi. Những chiếc nón bài thơ từ đây được làm quà và mang đến nhiều nơi trong nước và nước ngoài.Chợt thấy đâu đây thoảng mùi ngai ngái của lá tươi hòa quyện với mùi nồng nồng của dầu bóng, đấy là thứ mùi luôn vương vấn bên những người mẹ, người chị tảo tần một nắng hai sương.

"Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ
Gió cầu vương áo nàng tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ..."

Nói đến Huế không thể không nói đến những chiếc nón bài thơ Dạ Lê và nghề chằm nón nơi này.

Chợ nón Dạ Lệ thường họp vào buổi sáng sớm. Khi mặt trời còn chưa soi tỏ, chợ nón đã khá đông vui. Vòng trong vòng ngoài chợ toàn nón, tiếng nói cười lao xao.

Quanh vùng này là các làng quê vừa làm nghề nông vừa thạo nghề chằm nón: Phú Mỹ, Phú An, Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Lương, Thủy An, Thủy Thanh... Đến các làng nón, đâu đâu cũng thấy các chị, các em gái sớm hôm miệt mài bên khuôn nón. Chằm là công việc quyết định giá trị sản phẩm. Mũi khâu phải đều tăm tắp với đôi bàn khéo léo, thuần thục. Theo chị Thúy – một người thợ lành nghề: “Lúc chằm nón phải để tay trong tay ngoài và phối hợp nhịp nhàng như một cái máy may, mũi chằm mới đều, lá không rách, và mặt nón phẳng, không phồng rộp lên. Càng già dặn tay nghề càng chằm nhanh và đẹp, trong bóng tối vẫn chằm được nón”.

Nhiều năm trước, người dân muốn mua vật dụng hay bán nón đều phải cuốc bộ lên chợ Đông Ba, nhà nào gần nhất cũng mất hai giờ cả đi lẫn về. Muốn nhàn hạ thì ngồi xe lam, thuyền máy, nhưng sẽ hụt mất tiền công.

Thế nên chợ nón Dạ Lê ra đời tự phát, rồi ngày càng đông đảo, phồn thịnh. Chợ họp bên con sông, có chiếc cầu ván nối liền đôi bờ, đi bộ hay chèo ghe đều thuận tiện.

Chợ nón trước kia ở bên tả ngạn sông Như Ý thuộc xã Phú Mỹ (Phú Vang). Dần dần, do đường sá trải nhựa thuận tiện cho năm sáu xã lân cận thành phố chuyên nghề chằm nón, chợ đã dời hẳn sang bờ bên kia thuộc xã Thủy Vân (Hương Thủy). Ngày ngày, những người buôn nón từ thành phố Huế về bằng xe máy, nếu thu nón nhiều, họ thuê xe lam chở. Lái nón nam nữ ăn mặc sang trọng, túi xách căng phồng với hàng chục triệu đồng, bán mua trả tiền mặt sòng phẳng. Đã quen biết, họ còn tạm ứng tiền cho người làm nón đong gạo, mua vật dụng, kỳ sau trả bằng nón.

Tại chợ nón Dạ Lê, vây quanh là những quầy hàng là đủ loại kim chỉ, lá nón, soài, dầu nón, quai nón.

Bán xong nón, người thợ lại mua vật liệu về chằm. Chợ nón rất sạch sẽ, là chợ duy nhất tập trung buôn bán hàng nón và các mặt hàng liên quan nghề chằm nón truyền thống. Từ nơi đây, chiếc nón Huế đi khắp nơi mọi miền đất nước, ra cả nước ngoài. Chợ nón cũng thật đặc biệt, số đông là nữ giới họp chợ, họ ăn mặc và nói năng thanh lịch, chất phác và thuần hậu.

Dạ Lê là một chợ quê độc đáo bậc nhất ở Huế, có nề nếp, bán mua bình dị, mộc mạc, với các phiên chợ luôn rộn ràng, nhộn nhịp. Vượt thời gian, nét đằm thắm của chợ nón Dạ Lê còn mãi, như bắt nguồn từ cái duyên thầm của những người con gái Huế với nghề chằm nón.

- Tổng hợp từ Danviet, Tuoitre Yeunuoc và nhiều nguồn khác

P21 - Từ Tân An về Bình Lâm, Eo Gió vẫn còn xa...

(Tiếp theo)
9h45 phút thì đến thị trấn Tân An, chỉ mới ngồi ngựa sắt gần 3 tiếng đồng hồ nên cũng chưa si nhê gì - vả lại: thỉnh thoảng bọn mình lại dừng xe ngắm cảnh, chụp ảnh nên không thể trách là quá lâu.

< Do nhầm đường nên cơ quan lớn nhất mà bọn mình chạy qua là nơi này. Ngoài ra không thấy chợ Tân An hay ủy ban, công an gì cả.

Tân An là một thị trấn nhỏ với hơn 300 hộ dân thuộc huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Phía Tây Nam thị trấn là dòng Thu Bồn chảy xuôi, con đường QL14E là đường chính chạy từ đầu đến cuối thị trấn.
Lúc vào thị trấn rồi, chạy một đoạn mà bụng cứ nhủ thầm: đường QL gì mà xấu khiếp vì mặt lộ toàn là đất, bụi tunh tà la. Về dò kỹ lại mới thấy bọn mình đã đi nhầm đường khúc này.

< Con đường 'đi lộn' đây: đoạn đầu trải nhựa, sau thì chỉ đất và đất... nhưng cũng không đến nỗi quá tệ.

Do trước khi đi đã nghiên cứu trên bản đồ Wikimapia rồi nhưng mình thấy đoạn QL14E từ Phước Sơn đi Hiệp Đức đến xã Bình Lâm đơn giản, chỉ có một đường thẳng nên không phóng lớn - cũng không ghi chú tường tận.

< Gốc cây to thật đẹp bên đường, xem như một tý rửa mắt trên con đường đầy bụi...

Do vậy khi chạy qua cầu Hiệp Đức rồi: mình thấy ngã  có bảng hướng dẫn ngay ngã 3 này nhưng mình lo nhìn mé trái: đây là đường lớn và có vẻ như đang sửa chữa.

< Chạy mà bụng cứ nhủ thầm: QL thế quái nào mà thấy ghê, he he...
Nhưng cái 'ghê' cũng không dài, chỉ tầm vài cây số...

Trong tâm trí thì cứ nhớ là chỉ cần chạy thẳng, vậy là chạy thẳng - Thực tế thì đây là nhánh phụ, nếu rẽ trái mới là đường chính: sẽ chạy ngang qua chợ Tân An và các cơ quan hành chính của thị trấn.
< ... thì lại ra đường nhựa. Đây mới đích thị QL14E.
Thêm một tẹo nữa là gặp bảng hết địa phận thị trấn Tân An.

Nhưng may là nhánh chính hay phụ gì đó thì cũng nhập chung lại ngay ngã 3 QL14E sau khi ra khỏi thị trấn Tân An, đi đường phụ thì xấu hơn và xa hơn một tý.
< Vài căn nhà lưa thưa bên đường.

Hiệp Đức, Tiên Phước là những huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, trước đây vài năm luôn là những địa phương thiếu nước trong mùa khô, lại thừa trong mùa lũ...
Còn bây giờ không biết ra sao...
< Bắt đầu vào địa phận xã Quế Thọ.

Khúc này lại dừng xe lại một hồi do mình nghe có tiếng kêu từ dè xe trước, Hóa ra chỉ một trong 4 ốc vè bị lỏng, vậy là lấy đồ nghề ra xiết chặt lại thôi.
Từ một nhà dân gần đấy, một người địa phương bước ra hỏi do tưởng mình hư xe và nhã ý giúp.

Tiếc là không phải hư chứ được giúp thì lại thêm thấm tình người phương xa.
< Chạy ngang trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, một đoạn nữa gặp trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi.

< Qua cầu Sông Trầu, cây cầu nhỏ bắt ngang con sông cùng tên.

Gọi là cầu nhỏ, sông nhỏ chứ hồi tháng 10 năm 2007: dòng sông đã từng cuốn phăng một thày giáo cùng chiếc xe khiến thày tử nạn - nước lũ lúc đó ngập qua mặt cầu cả mét, ghê chưa!

< Cầu nhìn cũng thường, như bao cây cầu khác nhưng khi dừng xe ngay giữa cầu lại nhìn thấy cảnh hay hay.
Bạn nhấn vào ảnh để xem hình lớn nhé: trông những đám cỏ xanh mướt giữa dòng thật mơ màng - phía xa xa là núi Liệt Kiếm.

< Lại vượt cây cầu bé tẻo teo, chỉ dài 7m mang tên Ruột Đỏ thì đến trường tiểu học Kim Đồng.

< Các trường trồng người, những mẫu ruộng gần đấy thì trồng lúa trổ đồng xanh mướt.

< Đường về sau buổi học.

< Bạn nhìn tấm bảng bên phải đường: Có cả tuyến xe buýt - tuyến số 7 từ Hiệp Đức đi Tam Kỳ đó nghen.

Ở nhà thì bà xã là "chiên gia" xe buýt, tự mình có thể đi khắp Sàigon, cả miền lân cận bằng loại xe này. Vì vậy thấy tấm bảng 'bến xe buýt' là nửa kia chép miệng đùa: "Phải chi hổng có anh thì em đi Tam Kỳ bằng xe buýt". He he, xe buýt chốn này không có máy lạnh như xe Sài Thành đâu à nghen...
< Cảnh này thì mình không thích nhìn cho dù cũng phải thấy! Cây từ rừng trồng thì may, còn từ rừng già lại xót...
Nhưng không phải rừng trồng thì làm gì dám để nghênh ngang ven QL nhỉ?

< Quá 10h, bọn mình cũng đến được nơi phải đến > Ngã 3 'Tiên': chạy thẳng thêm 22km là Ngã 3 Cây Cốc QL1A, còn rẽ phải là đường đi Tiên Kỳ (25km).

< Do mình biết nơi đây có chợ Việt An kề cận nên chạy tới một đoạn rồi ghé vào chơi kiếm cái ăn chơi...
Đoạn này thì hỏi ai cũng biết Eo Gió, người ta chỉ ngõ hông chợ nhưng mình sẽ tạt lại ngã 3 cho chắc ăn.
< Hồi sau ra ngoài, tìm được cây dù "free" có chút bóng mát - ghé vào lật cái máy MID ra xem bản đồ.

Mấy cô bé học sinh gần đó túm tụm xung quanh tò mò nhìn cái máy chi là lạ. Bà xã thấy ngồ ngộ nên chớp thời cơ đưa máy ảnh lên định làm vài tấm... nhưng hổng kịp, những bóng hồng nhỏ đã túa ra, giả ngơ núp vào tán dù - he he...

< Trở lại ngã 3 và đi vào nhánh rẽ, bọn mình gặp trường tiểu học Lý Tự Trọng - đúng y như lịch trình đã dự đoán trên Wiki (trên đó ghi sai chính tả là "Lý Tử Trọng).
Đây là địa phận xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức.

< Bản đồ thì bản đồ... nhưng móc ra nhét vô hoài cũng lười, trong khi đó các nhánh rẽ lại lung tung nên từ khúc này: bọn mình tìm đường bằng cái miệng. Đường đi trong miệng mà...

Gặp một nhóm học sinh đứng ven đường: bà xã hỏi đường đi Eo gió thì bọn trẻ chỉ ngay...

< Trường THCS Chu Văn An, khá nhiều trường học nhỉ, lại khang trang đó chứ.

< Những con đường nho nhỏ trông như đường làng, thật nên thơ. Đây chính là tỉnh lộ 614 nối Bình Lâm - Tiên Sơn - Tiên Cầm.

< Lúc này thì cứ gặp ngã ba hay ngã tư gì đó là bọn mình cứ "vịn" dân địa phương ra hỏi "đường đi Eo Gió", hỏi cho yên tâm, hỏi vì lười xem bản đồ. 
.
Trong thực tế thì đoạn này rất chính xác như bản đồ trong máy - có điều trời nắng quá nên nhìn máy cũng muốn... lòi tròng, vậy nên cứ hỏi cho tiện

< Và mươi lần hỏi cũng phải có một lần sai. Gặp ngã 3, có chị bán nước má hỏi rẽ phải hay trái; chị chỉ hướng phải...
Thật ra phải trái gì cũng có thể đến Eo Gió thôi...

< ... nhưng nhánh trái mới mở sẽ gần hơn nhiều.
Bạn xem: Hiệp Đức mình cũng có lắm ruộng bậc thang - đất đồi núi vùng cao mà.

< Vào địa phận huyện Tiên Phước.

Tiên Phước là một huyện trung du phía tây của tỉnh Quảng Nam. Về hành chính, huyện gồm 15 xã và thị trấn -  các xã này cũng có chữ 'Tiên' kèm, ví dụ như Tiên Cẩm, Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Kỳ...).

< 'Nửa kia' kêu dừng xa lại vì cảnh đẹp, dừng thì dừng chứ - cây cối xung quanh cũng mát rượi...

Về địa lý: Phía tây giáp huyện Bắc Trà My, phía đông giáp huyện Phú Ninh, phía nam giáp huyện Núi Thành, phía bắc giáp huyện Hiệp Đức. Diện tích tự nhiên của Tiên Phước là 45.322 ha (2001). Thị trấn Tiên Kỳ nằm ở vị trí trung tâm của huyện.

< Hóa ra dừng để xem những thửa ruộng bậc thang...

< Ở Tây Bắc thì ruộng bậc thang ê hề, còn miệt trung du hơi bị ít...

< Cầu Bà Khu, những cây cầu nho nhỏ thế này gặp khá nhiều trên đường đi.

Gặp nhóm trẻ đi học về, bọn mình lại hỏi đường di Eo Gió để rồi có câu trả lời "Không còn xa đâu, chừng hơn 10km nữa". Không xa nhưng đường nhỏ, quanh co sẽ là xa...

Bao giờ đến Eo Gió nhỉ? Mà Eo gió thì có gì hay?

Còn tiếp

-

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần cuối