Gọi xe là “vợ”, MC Anh Tuấn không giấu sự say mê với những chặng đường cùng “vợ”. Còn nguyên cảm giác trong chuyến hành trình xuyên Việt vừa qua, MC điển trai chia sẻ.
Để lên kế hoạch cho một chuyến đi nghỉ dài ngày, dù bằng phương tiện gì đi nữa, mỗi người cũng đều có một cách riêng, nhưng quan trọng là bạn có “máu” hay không và trong một phút liều lĩnh, tôi đã có cái mà người ta gọi là “máu” đó…
Chỉ với một cuộc điện thoại, …“anh có máu không?”… và tôi đã nhận lời tham gia cùng các anh em khác với hành trình từ Hà Nội vào đến Buôn Ma Thuột và ngược lại. Mọi người đều nghĩ là tôi điên khi lên kế hoạch đi xuyên Việt bằng xe motor trong cái thời tiết khắc nghiệt của đợt nắng nóng nhất đầu mùa hè, nhưng tôi thì khác, để có được cái kế hoạch đó, tôi đã phải bỏ ra khá nhiều công sức sắp xếp một chuỗi công việc và thời gian để lên đường.
Vì công việc nên tôi không thể lên đường cùng anh em từ Hà Nội, và quyết định cuối cùng là chuyển xe vào Đà Nẵng để nhập hội cùng anh em với hành trình lên Tây Nguyên, cái này xét ra cũng đã “máu” lắm rồi, vì tôi là người khá giữ xe, chỉ sợ vận chuyển mà xước mất “vợ”(*) thì tiếc lắm.
Cái “máu” tiếp theo là sức khoẻ phải chuẩn bị thật tốt cho 5 ngày chạy xe, hơn nữa đã cả hơn 1 năm, tôi không được chạy xe đi xa, đối diện với 2000km là cả một vấn đề lớn về kỹ thuật chạy xe và tinh thần… Có lẽ tôi đang kể lể hơi nhiều rồi, hãy cùng đến với nội dung chính.
Ngày thứ nhất: Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột
Sau buổi diễu hành của các đội Motor để chào mừng Festival pháo hoa quốc tế (dịp lễ 30/4/2012), đội của chúng tôi với 7 thành viên đã sẵn sàng lên đường vào sáng hôm sau. Đội gồm toàn những anh em trẻ hơn tôi, chạy xe thể thao 1000cc, và chỉ lọt ra mỗi tôi, chạy xe có 675cc nên được anh em dặn dò kỹ lắm, từ việc chuẩn bị đồ đạc gì mang theo, nên chạy thế nào đến việc cử người “kèm” tôi trên đường.
Chúng tôi xuất phát từ 9 giờ sáng với hành trình Đà Nẵng - Kon Tum - Buôn Ma Thuột. 7 chiếc xe nối đuôi nhau lên đường và tôi chạy ở vị trí thứ 5. Chạy xe kiểu như chúng tôi đi xa thì tốt nhất là đi một mình và chạy phải có đội hình, từ người dẫn đường, mở đường đến người chốt đoàn. Sau khoảng 100km là bắt đầu có những khúc cua lý tưởng cho dân biker (người chạy xe máy) nhưng tôi thì chưa tìm lại được cảm giác lái nên cứ từ từ chạy cho an toàn ở cuối, phải mất 200km đầu tiên tôi mới thực sự tìm lại được kỹ thuật và cảm giác lái. Đường lên Kon Tum rất đẹp nhưng cũng rất nóng, người dân dọc 2 bên đường thì cứ khi nào chúng tôi đỗ lại nghỉ là lại đổ xô ra xem, hỏi về xe và thậm chí hỏi cả tôi sao bỏ dẫn chương trình lên Tây Nguyên thế này? Có đi xa mới thấy cái không khí yên bình của núi đồi, của những chặng đường không có tiếng còi xe, và sự niềm nở của người dân bản địa.
Đội chúng tôi đến Kon Tum, chạy vào cái khách sạn mà ngày xưa tôi được “nằm vùng” hơn 10 ngày để làm cầu Truyền hình trực tiếp, Kon Tum sau nhiều năm cũng chỉ thay đổi chút chút… Cả đội nhờ làm cơm ăn, mua một hũ nước mía vì quá khát rồi lăn quay ra, mỗi người một góc để ngủ. Thời tiết oi bức của chặng vừa đi qua cũng làm chúng tôi khá mệt và ngủ quên đến tận 6 giờ chiều.
Chặng tiếp theo Kon Tum đi Buôn Ma Thuột hơn 200km làm tôi thấy hơi lo vì chưa chạy xe tối bao giờ, kiểu này chắc sẽ phải đến hơn 12 giờ đêm mới tới nơi, nhưng thôi kệ, đi cùng các anh em khác đầy kinh nghiệm và đã chạy xuyên Việt rồi thì tôi có gì phải lo nào? Lên đường thôi. Đội hình được xếp lại để chạy cho an toàn, trên đường chỉ có chúng tôi và 7 chiếc xe cứ lao vào bóng tối mà đi…
Có đi xa mới thấy cái không khí yên bình của núi đồi, của những chặng đường không có tiếng còi xe, và sự niềm nở của người dân bản địa...
Khi nhìn đồng hồ km đã được gần 100km, tôi vượt lên yêu cầu anh em nghỉ cũng vừa lúc đến một thị trấn nhỏ, 2 bên đường có khá nhiều hàng quán và xe tải. Chúng tôi dừng xe và vào một cửa hàng tạp hoá nhỏ.
Tôi hỏi “Chị ơi, còn khoảng bao nhiêu cây nữa thì đến Buôn Ma Thuột”? 2 chị bán hàng cười vang lên và nói “Ở đây gần sát biên giới Cam Pu Chia rồi, đoạn rẽ lên Buôn Ma Thuột cách đây 74km”… Thôi xong, cả đội lúc đó mới biết là mình đã lạc đường và lúc này đã 9 giờ tối. Tôi đề nghị anh em nên nghỉ tại thị trấn này cho an toàn rồi sáng hôm sau sẽ chạy sớm.
Sau một hồi thuyết phục, chị chủ quán rất tốt đã giao lại cả quán cho chúng tôi một cách đầy tin tưởng để trải chiếu ra sàn ngủ. Đói quá, cả hội vào bếp lấy hết trứng ra luộc, rồi làm mì gói để ăn rồi mới đi ngủ. Thế là kết thúc ngày đầu tiên với một địa điểm hoàn toàn không có trong lịch trình, “chuyến đi hứa hẹn sẽ có nhiều biến cố đây”, tôi tự nhủ.
Ngày thứ hai: Cửa khẩu Lệ Thanh - Buôn Ma Thuột
Cả đội chia tay với chị chủ quán tốt bụng, đi về phía cửa khẩu và chỉ chưa đầy 1km, chúng tôi đã đến biên giới. 7 chiếc xe dàn hàng trước cửa khẩu Lệ Thanh để chụp ảnh, chứng minh là chúng tôi đã gần sang đến Cam Pu Chia sau cú lạc ngoạn mục đêm hôm trước.
Từ Lệ Thanh, chúng tôi đi ngược con đường độc đạo hơn 70km thì thấy điểm rẽ lên Buôn Ma Thuột, mặt đường từ đây đi thì không đẹp lắm nhưng cảnh 2 bên thì lại rất đẹp. Từ những rừng cao su đến những đồi thông gió mát, đoạn nào cũng có thể dừng lại chụp ảnh, nhưng nếu cứ thế thì chắc hôm sau mới đến nơi. Mất gần 3 tiếng thì chúng tôi nhìn thấy biển địa phận Buôn Ma Thuột, từ đoạn này tôi để ý thấy điểm rất lạ là có vô cùng nhiều bướm bay và chúng cứ va vào mũ bảo hiểm của chúng tôi lộp bộp, thương thay cái phận bướm…
Vừa đến Buôn Ma Thuột là anh em nghĩ ngay sẽ phải đi chơi đâu vì theo lịch trình thì chúng tôi định nghỉ lại đây 1 đêm. Có 3 lựa chọn: Lên bản Đôn cưỡi Voi, đi thác Drey Nur hay hồ Lăk với thuyền gỗ. Mặc dù một số thích đi cưỡi Voi (đúng là dân biker toàn thích cưỡi cái gì đó di chuyển), nhưng vì thời gian có hạn nên tất cả quyết định sẽ đi thác Drey Nur.
Thác này rất đẹp, có nhiều du khách đến thăm và ấn tượng, nhưng có lẽ tất cả chúng tôi khi nói đến thác này sẽ đều nhớ 1 chuyện buồn cười hơn, một thành viên trong đoàn vì “thích khám phá” đã thử ăn cả quả và vỏ hạt điều, và cậu ta đã hoàn toàn bị mất cảm giác của lưỡi trong 4 tiếng sau đó vì vỏ hạt điều tự nhiên có chất axit, vừa đi, lưỡi cậu ta vừa lè ra trông rất buồn cười…
Ngày thứ ba: Buôn Ma Thuột - Nha Trang
Đây là một chặng khá dễ dàng, chỉ gần 200km… Chúng tôi đã bắt đầu tưởng tượng ra được tắm biển thế nào, được chạy quanh Nha Trang thế nào nhưng sự thực lại hoàn toàn khác.
Biến cố thứ 2 của chuyến đi xảy ra sau khi chúng tôi vượt đèo Phượng Hoàng rất đẹp, xe của một thành viên bị trục trặc và tất cả phải đợi xe tải đến để chở chiếc xe đó về, may mà có anh em đội Motor Nha Trang ra đón nên chúng tôi được ăn ở một quán đồ ăn rất ngon và có cái tên rất lạ “Xì Te”. Ăn xong, chúng tôi chạy 50km nữa và về đến Nha Trang lúc 5 giờ chiều, thế là hết cả tắm biển với ngắm cảnh, hết cả dự định chụp ảnh đẹp với xe để đưa lên facebook. Thôi thì đành chờ đến cái bữa ăn hải sản buổi tối vậy.
Nhưng quả thật chờ cũng bõ công, hải sản tươi sống ở Nha Trang ngon quá, chúng tôi cùng các anh bạn ở Nha Trang ngồi trò chuyện về xe, về các chuyến đi và điểm đáng nhớ trong câu chuyện này chính là dự định đi xuyên các nước châu Á bằng motor từ Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia… Chưa biết tôi có đủ thời gian không, nhưng chắc lại phải “pha chút máu vào xăng” thôi.
Ngày thứ tư: Nha Trang - Huế
Tính theo lịch trình dự kiến thì chúng tôi đã bị chậm 1 ngày và 1 thành viên đã phải rời nhóm bay về trước vì công việc. Tôi bắt đầu lo không biết có về kịp cho bao nhiêu công việc và đợt ghi hình sắp tới không, nhưng tôi cứ im lặng để tránh tinh thần chán nản cho các anh em khác. Cùng lắm là mình cũng sẽ lại…bay về.
Từ Nha Trang đi Huế là chặng khá dài với hơn 600km trong 1 ngày, chúng tôi sẽ phải chạy đều mà không được nghỉ nhiều. Lâu lắm rồi tôi chưa chạy dài như thế trong một ngày, hơn nữa đã sang ngày thứ 4 và điều đó cũng có nghĩa sức khoẻ đã giảm đi một chút, liệu có theo kịp anh em không? Tôi tự hỏi nhưng lại cố nghĩ đến việc quay lại Huế sau bao nhiêu năm để lấy lại tinh thần. Nhưng rồi chúng tôi lại gặp một biến cố khác.
Khi đến gần Phú Yên, xe của 1 thành viên khác lại trục trặc. Chúng tôi “đổ bộ” vào 1 nhà dân ven đường, tự nhiên như ở nhà, chúng tôi cởi áo, lấy nước dội người cho mát, thậm chí chặt cả dừa nhà người ta để uống mà chủ nhà vẫn không hề nói gì mà chỉ cười. Người dân ở đây lành quá, họ cũng rất thân thiện và tốt nữa, dường như cái náo nhiệt và vòng quay siêu tốc của cuộc sống thành thị không hề bén mảng tới nơi đây, họ sống rất thoải mái, yên bình và đầy mến khách. Gia đình chủ nhà theo yêu cầu của chúng tôi đã đi mua gà, làm cơm canh để mời chúng tôi, một bữa ăn thật ngon nhưng sau đó chúng tôi lại phải đối diện với thực tế là kế hoạch thay đổi sau gần 6 tiếng chữa xe tại Sông Cầu.
Theo dự tính, nếu cứ tiếp tục theo lịch trình, chúng tôi sẽ đến Huế khoảng 5 giờ sáng và điều này không an toàn chút nào cả. Anh em đều biểu quyết là cố gắng chạy về đến Đà Nẵng và nghỉ đêm tại đây vì không ai muốn vượt đèo Hải Vân về đêm như vậy. Chúng tôi lần nữa lại chia tay 1 gia đình chủ nhà tốt bụng và lên đường… Sau gần 7 tiếng, chúng tôi đến Đà Nẵng lúc 2 giờ sáng và chỉ biết lăn kềnh ra giường ngủ, bởi vì ai cũng biết, ngày hôm sau chúng tôi sẽ phải cố gắng chạy 1 chặng dài từ Đà Nẵng ra Huế rồi Hà Nội.
Ngày thứ năm: Đà Nẵng - Huế - Hà Nội
Chúng tôi khởi hành từ Đà Nẵng khá sớm và chuẩn bị hết các thiết bị camera gắn xe để ghi lại những hình ảnh vượt đèo Hải Vân. Nghe nói đèo Hải Vân rất nguy hiểm nhưng cũng rất lý tưởng cho dân biker, tôi hồi hộp hỏi anh em về kinh nghiệm đi qua đèo này vì suy cho cùng, vui thì vui, thích thì thích nhưng an toàn vẫn phải là trên hết.
Lên tới đỉnh đèo Hải Vân, chúng tôi gặp nhiều đoàn xe Minsk của các khách du lịch nước ngoài, có một người Anh đã ra chào tôi và bày tỏ sự đồng cảm với chiếc xe của tôi khi anh cũng có 3 chiếc xe đặc biệt khác. Ở đây, chúng tôi đã bố trí để các anh em chụp ảnh đoạn vào cua thật đẹp trước khi tiếp tục đổ đèo về Huế. Sau khi vượt qua đèo thì tôi mới thấy nếu đi cẩn thận, tinh thần tập trung thì đèo Hải Vân cũng không có gì nguy hiểm khi đi bằng motor, lúc này đường khá đẹp và tôi thấy rất vui vì sắp trở lại Huế, hồi hộp không biết Huế có thay đổi nhiều không, bạn bè thế nào và có 1 nhiệm vụ mà tôi phải hoàn thành tại đây.
Chúng tôi đến Huế giữa trưa, cả đội trút bỏ quần áo chạy xe rồi đi ngay đến quán cơm Hến bên bờ sông Hương tuyệt đẹp. Huế vẫn có cái buồn nhưng đầy thú vị của nó, từ cảnh quan, con người đến món ăn, Huế vẫn làm cho người ta phải nhớ, phải thương. Nào, không bay bổng nữa, trở lại với thực tế, cơm hến cay quá, tôi phải gọi bát khác ít cay hơn và lúc đó mới cảm nhận được cái ngon của món ăn đặc biệt rất bình dân này.
Ăn xong, tôi lên đường đi thăm mộ 2 bác tôi, đây cũng là 1 nhiệm vụ mà tôi phải làm trong chuyến đi. Ra ngoài Huế, hỏi người dân, tôi đến đường Phùng Quán và đi vào khu mộ 2 bác của tôi. Khu mộ của 2 bác tôi nằm trên 1 đồi thông hướng ra hồ, đầy chất thơ đúng như chất của bác tôi, nhà văn Phùng Quán và nhà giáo Vũ Bội Trâm. Trên khu mộ là trích bài thơ “lời mẹ dặn” nổi tiếng. “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt nuông chiều, cũng không nói yêu thành ghét…” tôi như đồng cảm với chí khí của những câu thơ từ một người con của Huế, để lại nhớ về cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bác tôi - “Tuổi thơ dữ dội”…
Trở lại cùng đoàn, chúng tôi họp và quyết định sẽ không đi xe ra Hà Nội nữa, vì hầu hết ai cũng phải đi làm ngày hôm sau, mà chạy xe nếu có trục trặc giữa đường thì lỡ hết công việc. Tôi luyến tiếc vì chỉ có vài giờ với Huế trước khi lên xe về Hà Nội, nhưng cũng tự nhủ “tôi sẽ sớm quay lại với Huế, để sẽ gặp lại, cảm nhận con người và văn hoá nơi đây, để hoàn thành nốt chuyến đi dang dở…”.
Vậy là sau 5 ngày, hành trình xuyên Việt nhiều biến cố của tôi đã kết thúc, lại quay về với cuộc sống thường ngày, công việc bộn bề và không gian chật hẹp ở thủ đô, để lại nhớ những kỷ niệm từ chuyến đi và những người bạn đồng hành, để lại tiếp tục lên kế hoạch cho những chuyến đi sau, để được đến với nhiều nơi hơn nữa trên dải đất hình chữ S thật đẹp này, để gặp những con người bình dị, đầy mến khách trên khắp các nẻo đường, và cuối cùng, để được thoả sức tận hưởng cái cảm giác chạy xe của dân biker…
(*) Dân biker thường gọi xe là “vợ”
- Theo Dantri, internet
No comments:
Post a Comment