Thursday, February 23, 2012

“Khỉ lửa” ở Hòn Hèo

Ông nói với tôi rằng ngoài cái tên cúng cơm do cha mẹ đặt là Sylvio Lamarche, ông còn có biệt danh “fire monkey”, rồi dịch luôn là “khỉ lửa”. Hỏi ông có phải ở Hòn Hèo có nhiều khỉ nên ông đặt cho mình biệt danh như vậy? Ông bảo không phải, ở đây chỉ có voọc chà vá chân đen là nhiều.

Sylvio giải thích thêm: “Tôi sinh năm 1956, tuổi Bính Thân, người Việt Nam gọi là tuổi con khỉ, thầy bói bảo tôi mạng hỏa nên tôi “phong” cho mình luôn cái tên “khỉ lửa”, vừa nóng nảy lại vừa rất máu lửa”. Tôi thật sự bất ngờ với vốn tiếng Việt khá trôi chảy của ông Tây này. Nghe tôi khen, Sylvio nheo cặp mắt xanh biếc rồi hóm hỉnh: “Thế mà tôi vẫn chưa nhập quốc tịch VN được đấy, chỉ vì không biết ăn nước mắm thôi”. Nói rồi Sylvio cười vang, làm khuấy động cả một khu vườn rừng luôn yên tĩnh bên Hòn Hèo này.

< Đỉnh núi Hòn Hèo phía xa nhìn từ khu nghỉ mát, nơi sinh sống của hơn 150 con Voọc chà vá, 4 loài đại bàng, 4 loài nai trong sách đỏ.


“Việt Nam hút hồn tôi”

Vốn là một kỹ sư nông nghiệp, Sylvio từng gắn bó với đất nước Canada của mình cả chục năm, đùng một cái, năm 1994, anh chàng nổi máu giang hồ, bỏ lại tất cả sau lưng, khoác chiếc túi nhẹ hều trên vai cùng lưng vốn dành dụm được và lên đường làm một cuộc hành trình không định trước.

Ông nhớ lại: “Tôi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. Thấy nhiều người nước ngoài vai mang tay xách hàng hóa lỉnh kỉnh nhưng tôi chỉ có mỗi chiếc túi đựng vài bộ quần áo nhẹ tênh, mấy anh hải quan sân bay cứ hỏi “vali ông đâu?”

< Từ sân khu nghỉ mát Jungle Beach, khách du lịch có thể dùng ống nhòm ngắm đàn Voọc chạy nhảy trên đỉnh núi Hòn Hèo.

Trước khi rời đất nước Canada, cô bạn gái của tôi chỉ vào tấm bản đồ hình chữ S rồi nói: “Cậu nên đến đất nước này!”. Tôi gật đầu đồng ý nhưng khi lên đường thì chỉ có mỗi mình tôi. Cứ nghĩ là qua chỗ “chữ S” ấy chơi dăm bảy hôm rồi đi tiếp, không ngờ ngay trong lần đặt chân đến Việt Nam rồi đi Hải Phòng, làng quê của đất nước này cứ hút lấy tôi. Mỗi cánh đồng là một bức tranh được thiên nhiên phối màu tuyệt đẹp.

Trên một đất nước mà nơi này thì lúa chín vàng, vùng kia lại xanh mơn mởn, chỗ nọ lại mới vừa gieo sạ. Rồi những bờ biển lô xô sóng trắng, nhấp nhô đá dựng, bên núi bên sông, hữu tình không sao tả xiết. Tôi rời Việt Nam sau ba tháng rưỡi rong ruổi khắp nơi trên đất nước này. Nhưng về bên nhà rồi vẫn không yên, và tôi quyết định trở lại Việt Nam”.

< Sylvio dọn vườn. 

Từ năm 1995 đến năm 1997, Sylvio trở lại VN nhiều lần, đến tháng 1/1999 thì ông quyết định ở hẳn sau khi bị “hút hồn” lần thứ hai, lần này không phải do đồng lúa hay sóng biển mà là một cô gái Việt. Trong những lần trở lại VN sau đó, Sylvio mang theo một chiếc thuyền du lịch. Ông quyết định dùng chiếc thuyền này để “thám hiểm” tất cả các bờ biển VN. Sau khi ngang dọc vùng biển Non Nước của Đà Nẵng, Sylvio vào Nha Trang. Ông dùng chiếc thuyền du lịch ấy quần thảo khắp vịnh để cuối cùng đỗ lại  Hòn Hèo, định cư luôn từ năm 2001 đến giờ.

Hòn Hèo là địa danh thuộc xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, cách Nha Trang 60km về phía bắc. Tại đây, Sylvio lại bị “hút hồn” lần nữa. Lần này thì ngoài một vùng biển xanh cát trắng mênh mang, ông còn được Hòn Hèo “tặng” cho một đàn voọc chà vá chân đen đến vài trăm con!

Ông Tây kiểm lâm

< Voọc chà vá ở Hòn Hèo.

Tại cuộc họp tổng kết của ngành nông lâm cuối năm 2010 của thị xã Ninh Hòa, người ta thấy có một người nước ngoài lên nhận giấy khen. Người đó là Sylvio Lamarche. Cái tên “ông Tây kiểm lâm” mà dân Ninh Phước đặt cho Sylvio cách đó 7 năm, giờ mới được chính quyền thừa nhận bằng một tấm giấy khen!

Ông Lê Thanh Hóa, Hạt trưởng Kiểm lâm Ninh Hòa nhận xét: “Ông Sylvio là một con người rất “máu lửa” với việc bảo vệ động vật hoang dã. Chưa thấy người nước ngoài nào mà có ý thức bảo vệ rừng cũng như giữ gìn động vật hoang dã như ông”.

Sylvio chọn Hòn Hèo để làm khu du lịch dạng home-stay chứ không phải để theo dõi rồi “phát hiện” đàn voọc chà vá chân đen- một loài thú quý hiếm đang bị săn lùng ráo riết để lấy xương nấu cao. Thế nhưng, duyên phận đã đưa “khỉ lửa” đến với đàn voọc chà vá chân đen tại Hòn Hèo này.

< Khách du lịch đến Hòn Hèo.

Sylvio kể: “Năm 2005, có một số khách du lịch nước ngoài đến khu nghỉ dưỡng này. Buổi chiều, tình cờ họ phát hiện một đàn voọc cả trăm con đang chuyền cành và kêu chí chóe trên núi Hòn Hèo. Họ quá thích thú với phát hiện này và kể lại với tôi. Tôi tiếp cận chúng và ngay đêm đó, qua email, tôi gửi cho ông Tilo- Giám đốc Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương một bức thư và kể lại sự việc.

Ông Tilo tức tốc đáp tàu vô Hòn Hèo cùng với các cộng sự. Phải mất nhiều ngày, bằng các loại phương tiện hiện đại, nhóm nghiên cứu mới ghi hình và lấy một ít phân của loài voọc này về xét nghiệm. Các mẫu xét nghiệm được gửi về trung tâm bảo vệ động vật hoang dã bên Đức-quê hương ông Tilo và ngay lập tức có hồi âm.

Đàn voọc chà vá chân đen ở Hòn Hèo không có họ hàng gì với các loài voọc chà vá từng được phát hiện trên khắp Đông Dương. Sự độc đáo của đàn voọc ở Hòn Hèo chính là chỗ này. Mẫu xét nghiệm cũng giải mã về lai lịch hai con voọc tại khu du lịch Suối Tiên chính là họ hàng với đàn voọc Hòn Hèo được một số tay thợ săn bắt được đem bán cho khu du lịch. Do không biết đặc điểm của loài voọc này chỉ ăn lá cây, người ta buộc chúng ăn quá nhiều củ quả nên sau một thời gian ngắn là chết ngay”.

Tấm giấy khen dành cho ông Sylvio không chỉ ghi nhận việc phát hiện và gìn giữ  đàn voọc Hòn Hèo mà còn nhiều “công trạng” khác nữa. Cách đây 5 năm, thấy nhiều người dân vào Hòn Hèo săn bắt các loài thú rừng, Sylvio canh ở cửa rừng và mua lại những con vật đó rồi vô rừng phóng thích chúng. Thấy vậy, dân quanh vùng càng săn dữ! Biết mình vô tình tiếp tay cho việc săn bắn bất hợp pháp này, ông Sylvio chấm dứt việc mua lại thú rừng sau đó. “Một động cơ tốt nhưng hậu quả tồi, mình vô tình mang tội”. Ông tự kiểm bằng một câu triết lý như thế.

< Hàng ngày Sylvio Lamarche chân trần leo núi canh giữ các loài động vật hoang dã.

Còn ông Hạt trưởng Kiểm lâm Lê Thanh Hóa thì “tố” ông Sylvio bằng một câu thương mến: “Chúng tôi đã có một “nhân viên” mẫn cán nhưng không nhận lương của hạt, vì chỉ cần thấy một con thú rừng nào bị người dân bắt trộm hoặc phát hiện một đám cháy nhỏ ở Hòn Hèo là lập tức Sylvio báo ngay cho hạt kiểm lâm. Chúng tôi nhiều hôm “mất ngủ” với những cuộc điện thoại của ông ấy”.

Cả chục ngôi nhà tranh vách nan do một tay Sylvio xây dựng cho khu nghỉ dưỡng của ông. Ông làm hùng hục, quên cả cơm trưa, từ hướng dẫn cho khách chỗ ăn chỗ nghỉ đến làm thợ mộc, thợ điện, thợ nước và chăm sóc cây cảnh, Sylvio như một nông dân thực thụ chứ không phải là ông chủ của khu du lịch hoang dã, toàn khách Tây đến qua đêm này. Sau 13 năm gắn bó với Hòn Hèo, Sylvio đã có một cơ ngơi kha khá nhưng có lẽ “gia tài” lớn nhất của ông chính là đàn voọc mấy trăm con ở Hòn Hèo đang sống rất bình yên.

- Theo Quảng Ngãi Online cùng nhiều nguồn ảnh khác.

No comments:

Post a Comment