Thursday, February 23, 2012

Cùng con trai và cháu lên Hà Giang (P2)

7h sáng 30-4 ba bố con chú cháu xuất phát ngược lên vùng cực Bắc Hà Giang. Chương trình:  ăn sáng cho no cái bụng xong, đi cái xe máy lên  Cổng Trời, nghỉ cái chân một lát, rồi là  xuống Sà Phìn, vào cái  nhà vua Mèo Vương Chí Sình, mua cái bánh mỳ thịt hộp, cái bánh kẹo  sẵn rồi, tham quan rồi ăn trưa ở đấy luôn, không vào cái hàng quán nữa, không phải tiêu thêm tiền nữa, tiết kiệm thời gian để còn lên xem cái cột cờ Lũng Cú của chính phủ rồi quay về Đồng Văn ngủ  đêm ở đó.

Tôi biết rằng đoạn đường này toàn đèo dốc khó đi nên tôi sẽ cầm lái thay cho Sơn ở những đoạn quá dốc. Cái balô buộc sau xe anh Phương phải chuyển lên buộc chắc chắn ở phía trước giữa hai đùi bởi đi đèo dốc,  đường xa, phải thường xuyên đổ xăng đầy bình mà cứ phải tháo tháo buộc buộc dây chun chằng balô là rất nhiều mệt nhọc.

Cái bơm xe (loại 50 ngàn Đồng ) được buộc chắc dưới ba lô, áo rét mặc vào người vì  lên đỉnh đèo thường lạnh và ẩm.

Anh Sơn lần đầu cầm lái lên đèo cũng không gặp vấn đề gì, anh Phương thì trong cả chuyến đi tỏ ra là một tay lái cừ, không hổ danh là đã có cả bằng lái ôtô. Phải cái là xe Wave RSX  bố con tôi đi chỉ có 98cc nên mỗi lần lên, xuống đèo là phải đi số 2, nhiều chỗ đường dốc ngược lên lại cua gấp là phải đi số 1 mới lên được.  Còn một cái hơi lích kích nữa là nhiệt độ thay đổi liên tục theo độ cao, ở dưới đèo trời nắng nóng nhưng lên đỉnh dốc là lại lạnh, vì thế mà tôi cứ luôn phải cởi áo khoác ra rồi lại mặc vào. Nhưng bù lại,  cảm xúc mê say  lại thay đổi theo từng chặng đường đi qua. Nhìn đến no mắt nương lúa với dòng Nậm Điêng chảy bên đường rồi lại được ngắm nhìn thỏa thuê bản làng cheo leo sườn núi ở Bắc Sum...

Con đèo đầu tiên mà tôi không biết tên như một sợi dây dài được người ta thả ngoằn ngoèo xếp lớp và khi ta leo ì ạch vòng vèo chán rồi nhìn xuống dưới mới nhận ra rằng ta vẫn chỉ đang ở ngay phía trên con đường mà nửa tiếng trước đã bò qua, khác chăng là có lên cao thêm được vài chục mét.

Rồi tiếp đến lại là những con đèo khác nâng dần chúng ta lên độ cao gần 1000 mét so với mực nước biển và hẳn cũng như các bạn đã đến Hà Giang, Cổng Trời Quản Bạ là địa danh mà bố con chú cháu tôi đã dừng lại khá lâu để chụp ảnh.

< Cổng Trời Quản Bạ - nơi mười người chống được nghìn người, cũng là nơi hết rượu thì cũng hết nghĩa vụ quân sự.

Bên Cổng Trời, tôi tự hỏi không biết chỗ nào là dàn đá mà lính tráng của Mã Học Văn, tướng chỉ huy lính của vua Mèo đã xếp để đổ xuống đầu đội lính Nhật trong cuốn hồi ký    “ Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn” ?

Rồi chỗ nào là lỗ châu mai của toán lính giữ Cổng Trời chỉ với một dúm người với vài khẩu súng kíp , cung nỏ, dàn đá có thể chặn cả một đạo quân? Và phòng tuyến hiểm trở này chỉ bị chọc thủng khi mà các vò rượu cạn trơ đáy, toán lính Mèo không đánh cũng tự tan vì hết rượu thì mặt trận cũng im tiếng súng!

Cổng Trời bây giờ vẫn ngạo nghễ trên lưng trời nhưng cột vi ba của di động Quản Bạ dựng cạnh đấy còn cao hơn. Bà con các dân tộc vùng cao khắp vùng  Bát Đại Sơn qua Quản Bạ, Cán Tỷ, Phố Cáo đến Yên Minh , Lũng Cú , Mèo Vạc... đều đã dùng điện thoại di động. Trên các điểm dân cư nhỏ đều có cửa hàng bán di động và tôi cũng nhìn thấy nhiều bà con Lô Lô hay Mèo gì ấy lưng mang quẩy tấu, mặc áo  tả pú  đen, dầy như mo nang đi bên đường tay áp má, mồm nói véo von.


Sông Miệm dẫn cho Quốc lộ 4 C chạy men theo các sườn núi vùng Cán Tỷ với bạt ngàn đá xám. Từ Quản Bạ đã thấy choáng ngợp vì đá. Màu xám của đá từ tận đỉnh núi vào đến tận bờ tường xếp đá của những ngôi nhà tường trình mái ngói âm dương rêu phong cổ kính.

Và như tôi đã nói, cung bậc cảm xúc luôn thay đổi theo từng đoạn đường, đến gần Yên Minh, bất chợt con đường và ta lại chạy xuyên vào giữa bạt ngàn thông reo xanh mát ở Na Khê.

Cao nguyên đá đã làm hai anh Sơn, Phương mê mẩn. Hai anh tỏ rõ sự phấn khích khi gọi điện kể lại cho người ở nhà cảm giác của mình. Sơn còn có thú vui khác là super soi lỗi chính tả của các bảng hiệu ven đường, từ  lỗi chính tả “ bản làng” đến lỗi chính tả của “ cái nhà nước”,

Cũng phải thông cảm thôi, đến ngay ở thủ đô còn sai toe toét ra nữa là ở đây.

Nổi bật giữa thung lũng Sà Phìn là dinh vua Mèo Vương Chí Sình, tọa lạc trên một điểm cao mai rùa giữa thung lũng, lưng dựa vào dãy núi đá hình vòng cung, trước mặt là thung lũng trải rộng, địa điểm này đã được một thày địa lý từ Vân Nam sau khi đi khắp vùng Bát  Đại Sơn, Quản Bạ, Đồng Văn chọn là nơi để xây cái dinh thự đồ sộ, nơi bố vua Mèo là Vương Chính Đức cho xây cất trong những năm đầu thế kỷ 20 với ý niệm rằng ở cái nơi đắc địa này thì dòng họ Vương sẽ làm vua xứ Mèo đời đời kiếp kiếp ! Để xây được cái dinh này, phu phen trong 3 năm tới cả ngàn người.

< Thung lũng Sà Phìn.  Dưới tán cây pơ mu là dinh vua Mèo.

Vương Chí Sình là một nhân vật  có nhiều điều còn bỏ ngỏ, trong google hay qua lời giới thiệu trong khu di tích dinh vua Mèo thì cũng chỉ chung chung rằng sau thời gian đánh Pháp, đánh Nhật,  hùng cứ một phương để  dành quyền  tự trị, ông Vương Chí Sình được Bác Hồ cảm hóa, đi theo cách mạng, được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 1, 2  v.v... Nhưng trong hồi ký “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn” của Ngôn Vĩnh biên soạn, NXB CAND ấn hành năm 1977  thì lại là một ông Hoàng Chí Trung (cách phiên âm khác của Vương Chí Sình ) khác hẳn, thủ lĩnh tinh thần của vụ  nổi phỉ chống phá chính quyền nhà nước, cướp bóc, giết  cán bộ trong những năm 1960 ở Đồng Văn.


< Vua Mèo bố Vương Chính Đức - ảnh giữa : Vua Mèo Vương Chí Sình- ảnh phải : vua cũng phải bế con.

Thôi, dẫu sao mọi việc đều đã lùi sâu vào lịch sử, miễn là còn đây một tòa dinh thự đồ sộ, đặc sắc  để bố con chú cháu tôi còn vào mà nhìn ngó.

Dưới hàng thông sa mu cao vút, con đường lát đá dẫn vào trước một cổng đá. Tôi dừng lại hồi lâu lẩn mẩn  tìm cái lỗ ở khe tường đá, nơi tên phỉ Thào Sè Na xưa kia  trong lúc ngồi gác cổng trước nhà Vương , thèm một hơi thuốc phiện mà không dám bỏ vị trí, hắn luồn một đoạn ống cao su qua cái lỗ cạnh cửa để thằng đàn em phía trong châm thuốc phiện cho hút.

Bên trên khung cửa ra vào cầu kỳ như của một đệ phủ quan lại nhà Thanh bên Tầu là bức đại tự  với bốn chữ Hán thiếp vàng  “ Biên chinh khả phong” treo ngạo nghễ.

< Cái bể này được tạc ra từ một khối đá nguyên khối - hình bán nguyệt, chắc là xưa kia để bà 1, bà 2, bà 3 ngồi tắm ngoài sân này.

Gần như thuộc lòng quang cảnh nhà Vương qua những trang sách của Ngôn Vĩnh và hồi ức của đại tá QĐNDVN Tưởng Phi Đằng, nguyên trưởng ban quân báo trung đoàn Thủ đô hồi kháng chiến chống Pháp kể về khung cảnh bài trí cái dinh này ở cái thời kỳ vàng son của chủ nhân nó, tôi lần mò khắp các  xó xỉnh trong dinh, nhìn ngắm từng gian phòng, từng khoảng sân đá, từng mái nhà rêu phong, cố hình dung ra những con người và cái dinh này ở thời điểm cách đây ngót nửa thế kỷ, ở cái thời điểm lịch sử có nhiều thăng trầm xa xưa ấy.

< Bể nước mưa ngày nay không còn dùng để chứa nước nữa.

Bên cạnh dinh có một công trình chứng tỏ rằng chủ nhân xưa của nó thật sự giầu có. Đấy là cái bể nước mưa mà vua Mèo cho xây to như một cái bể bơi cỡ lớn hoàn toàn lát bằng đá xẻ ,  sâu đến 2 m, trên lợp mái ngói. Ở cái vùng mà nước hoàn toàn dựa vào mưa và quý như thuốc phiện hồi đó thì cái bể to chứa bằng ấy nước có khi còn quý hơn cái hầm  lèn đầy thuốc phiện ở trong nhà. Quả là giầu sang danh giá! Với cái bể này thì ông Vương hẳn là người tắm nhiều nhất trong cả cái vùng Đồng Văn Mèo Vạc rồi còn gì.

< "Kho báu" đây ! hay ở chỗ sau mấy lần trùng tu, chả ai nhặt được đồng xu này cả, vì nó nằm trong khe lỗ châu mai đã bị bịt lại.

Tắm rửa thì như vậy, còn vệ sinh cá nhân thì sao nhỉ ? vậy là tôi đi tìm cái toa lét của vua xem nó như thế nào.  Tôi để ý là phần nội thất cung vua phủ chúa nhà ta từ ở Đại nội Huế lẫn vua xứ Mèo ở đây, cấm có thấy cái toa lét nào. Chả hiểu ngày xưa chuyện ấy vua chúa giải quyết ra sao, đã đành là có kẻ hầu người hạ nhưng chả nhẽ lại ngay ở trong phòng ?  Hẳn lần này không ai còn đổ tội cho chiến tranh loạn lạc mà phá mất cái chỗ tế nhị nhưng tối cần thiết đấy ở trong cái dinh còn nguyên vẹn này.

< Cũng hai phòng nhé, chắc là một bên nhà anh Nam, một bên là nhà chị Nữ? và  bẩn gớm chết! 

Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng khám phá ra cái nơi mà chả hướng dẫn viên nào đưa vào chương trình tham quan cả. Nằm hẻo lánh một góc cạnh tường rào đá, cũng cùng model kiến trúc kiểu Tàu đời Thanh với ngôi nhà, tường đá, mái ngói âm dương. Tưởng hoành tráng thế nào, hóa ra chả hơn cái chuồng trồ đổ gio ở đồng bằng Bắc bộ là mấy. Hơn mỗi một chỗ là bên trong  được lát bằng đá trắng.

Hai anh thì lại lần mò xó xỉnh trong dinh với một lý do hoàn toàn khác .

Cả hai cu cậu đều rất tin rằng trong những khu nhà cổ của những bậc vương tướng thổ ty thế này thì một kho báu sẽ phải được chôn dấu  đâu đó trong dinh ! Hai anh nói với bố với vẻ mặt rất nghiêm túc và ông bố thì cho rằng mấy câu chuyện nhảm nhí trong sách mà chúng nó vẫn đọc gắn bết vào đầu hai thằng bé này rồi.

Vì vậy khi hai anh chạy ra thì thầm khoe với bố đồng bạc trắng hoa xòe loại 20 cent mà anh Phương tìm được trong cái lỗ châu mai trong cái lô cốt thì bố thật sự ngạc nhiên. Đồng xu cổ  này hẳn đã bị ai đó thời còn vua Mèo để quên trên lỗ châu mai và bị bụi, đá vụn, rác rưởi phủ lên và chỉ với ai có một niềm tin nào đấy sẽ nhận được một phần thưởng xứng đáng, dù nhỏ bé nhưng quí báu. Đúng là đồng bạc hoa xòe vì còn nguyên hàng chữ Indo-Chine Francaise với  người đàn bà mặc áo đầm xòe  nhang nhác giống bà nữ thần tự do ở bên Huê Kỳ.  Thật là một kho báu về tinh thần đối với hai anh.

Tôi cũng muốn có một kỷ vật gì đấy của khu di tích nhà Vương này nên mò vào gian bán souvernir ngay cạnh đấy. Bên trong treo lèo tèo vài bộ quần áo dân tộc hàng chợ kiểu bán đầy các khu du lịch ở Ba Vì, Hòa Bình. Dăm ba cái khèn Mông làm vội, trong cái tủ kính kiểu bách hóa tổng hợp đặt giữa nhà có 2 thứ tôi thấy còn tàm tạm là đôi dép hải sảo bện bằng sợi đay và tù và sừng trâu. Nhưng dép thì quá đắt, những 100k / đôi mà có mua về cũng không biết trưng bày ở đâu. Thôi thì đành tù và vậy, vơ bèo gạt tép cho nó có cái kỷ niệm mặc dù   dây treo tù và lại làm bằng dây dù ni lon trắng tinh.

Đã rút ví ra chuẩn bị trả 120K thì tự dưng tò mò hỏi chú bé người dân tộc đứng trông hàng cho mẹ là cái tù và này hiện nay bà con còn dùng trong cuộc sống hàng ngày nữa không thì chú bé hồn nhiên trả lời rằng có còn,  dùng nhiều đấy mà, đám ma nào mà chả dùng để thổi, gọi hồn người chết về  !Ôi giời ! hết cả  hồn! rụt ngay ví về. May quá, mua những cái đồ phục vụ văn hóa phi vật thể này về chẳng thích thú gì

HaHoi

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3

- Theo Taybacgroup.com

No comments:

Post a Comment