Wednesday, June 13, 2012

Về Đề Gi, nếm gỏi cá mai…

Một cậu bạn mới quen tha thiết mời: “Chị về Đề Gi quê em chơi đi, vừa xem lễ hội cầu ngư, vừa thưởng thức món gỏi cá mai trứ danh ở vùng cửa biển này”. Ừ, thì đi

Phi gỏi cá mai, bất ghé Đề Gi

Đấy là câu cửa miệng của nhiều người dân quê ở Đề Gi, Cát Khánh, Phù Cát. Đề Gi có đặc sản gì? Gỏi cá mai chớ còn gì nữa. “Đi mà không nếm gỏi mai. Sao gọi đã đến Đề Gi cho đành”. Một anh bạn đã “xuất khẩu” hai câu thơ, giữa lúc còn đang nhồm nhoàm miếng gỏi cá mai bùi bùi, beo béo.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cửa Đề Gi “rộng 11 trượng (1 trượng = 3,33m theo hệ đo lường cổ Trung Hoa), thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước. Phía tây có đầm Đạm Thủy, thuyền buôn thường đổ ở đây". Con cá mai, cá trỏng chủ yếu sống ở đầm Đạm Thủy, vùng từ Cát Khánh đến xã Mỹ Thành (Phù Mỹ).

Về hình thức, con cá mai, cá trỏng gần giống như cá cơm vậy, nhưng thịt trong hơn, và hầu như không có máu. Chỉ người dân địa phương nghiện ăn gỏi cá mới phân biệt được được con cá nào là cá mai, con nào là cá trỏng. Cá trỏng trông dài hơn con cá mai. Cá mai dẹp mình hơn, ngắn hơn. Ở Đề Gi có hai quán làm gỏi cá mai ngon, trong đó quán Thiên Lý.

Quán được lấy tên theo bà chủ Nguyễn Thị Thiên Lý. Bà Lý bảo từ năm 22 tuổi bà đã biết làm món gỏi cá này rồi. Nay, bà đã gần 60 tuổi, cũng chỉ chuyên bán duy nhất một món này mà thôi. Quanh năm. Từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch là mùa cá mai, từ tháng 6 đến tháng 12 là mùa cá trỏng. Con cá mai ăn thịt giòn hơn. Còn con cá trỏng thịt ngọt hơn, song ít giòn. Tuy theo gu của mỗi người mà thích, nhưng cả hai mà làm gỏi đều ngon.

Bùi bùi, beo béo vị biển

Cá mai được đánh từ sáng sớm, tươi còn cong mình, bạn chài đã mang đến quán bà. Làm gỏi cá, khó nhất vẫn là khâu rút xương cá. Dùng kéo cắt bỏ đầu, lọc lấy xương, chừa lại chút xương khoảng bằng 1/3 con cá, rồi đem ướp đá lạnh, để cá vẫn có độ tươi giòn. Rau sống rửa sạch, để sẵn sàng.

Khách vào, bà Lý chỉ cần ngồi một chỗ, lấy cá đựng trong thùng đá ra, vớt ráo, trộn  thêm bột thính được làm từ nguyên liệu gạo và đậu phộng rang giòn, xay mịn để con cá vừa trông khô ráo, vừa thơm ngon, kích thích vị giác của thực khách. Và, cũng phần nào làm giảm bớt độ “chờn” đối với thực khách lần đầu tiên nếm món cá sống.

Một phần làm nên hương vị khó quên của gỏi cá mai ấy là món nước tương, nước me ăn với gỏi cá. Nước tương được pha chế theo công thức: tỏi ớt xay nhuyễn; đậu phộng rang vàng giã nhỏ, thêm nửa hoặc trái chuối sứ đã thật chín và thêm nước sôi vào. Tất cả bỏ vào cối xay sinh tố xay nhuyễn. Vậy là xong món nước tương vừa có vị beo béo của đậu phộng, ngòn ngọt thơm mùi chuối chín.

Cũng có người thích ăn gỏi cá với nước me, kim chi. Cách làm tương me cũng khá đơn giản. Me chín, thêm tỏi ớt, xì dầu, ăn cùng với kim chi, tạo nên hương vị vừa chua, vừa cay. Rau sống ăn gỏi cá, đều là thứ rau từ vườn nhà: xà lách, tía tô, thì là… nhưng không thể thiếu chuối chát, xoài xanh hay khế xắt lát mỏng để khử tanh, lại thêm vị chua chua dễ chịu.

Lần đầu tiên thử ăn món cá sống cuốn với bánh tráng, rau sống, thú thiệt, tôi có hơi gờn gợn. Vậy mà, cắn thử một miếng, cảm giác miếng cá có vị bùi bùi, beo béo quyện với vị ngọt, cay từ nước tương, lại muốn cắn thêm miếng thứ hai. Rồi miếng nữa cho tới khi căng bụng, đã thèm cái miệng. “Ăn gỏi cá, phải chan nước tương nhiều mới ngon. Một dĩa cá là nửa ca nước tương, vừa chấm, vừa húp… ”- bà  Lý bày tôi cách thưởng thức gỏi cá sao cho ngon.

Mùa này đang là mùa cá mai. Hiện giá bán một dĩa gỏi cá khoảng 25.000 đồng, tiền bánh tráng tính riêng. Bà Lý cho biết, thực khánh ngoài dân địa phương, còn có người ở Quy Nhơn, hoặc các nơi khác, ngay cả thành phố Hồ Chí Minh. Với những ai đã trót ghiền gỏi cá Đề Gi, mỗi lần muốn ăn, cũng không quá khó, chỉ cần điện thoại (theo số 056.3654201) gọi đặt trước cho bà Lý, bà sẽ chuẩn bị sẵn sàng, chờ người trực tiếp đến lấy hoặc gởi theo xe đến nơi.

Và đắm mình trong lễ hội cầu ngư

Tháng tư âm lịch, từ ngày 10 đến 12, về Đề Gi, Cát Khánh, khách không chỉ được nếm món gỏi cá mai đặc sản, mà còn được đắm mình trông không khí của Lễ hội Cầu ngư của xứ sở miền biển này.
Tương truyền, vào khoảng năm 1805, triều Gia Long ngũ niên, bỗng có 1 con cá bị chết và trôi dạt vào bờ biển Đề Gi.

Dân làng không biết cá gì, cũng không biết điều gì sẽ xảy ra liền trình tấu lên quan huyện Phù Ly. Hôm sau, tự nhiên có một ông lão râu tóc bạc phơ không rõ từ đâu tới, ôm con cá mà rằng: "Ta là người ở dưới Thủy cung, đã có công với triều đình. Khi Đức Thế tổ lâm nạn, ta đã đưa người ra khỏi Mũi này!". Nghe vậy, các quan hàng huyện liền trình tấu lên tỉnh và tỉnh cho phép làng An Quang được lập Lăng thờ, gọi là Lăng Ông Nam Hải.

Toàn bộ việc chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư ở Đề Gi do Ban Vạn ngư nghiệp thôn An Quang đảm nhiệm. Ông Dương Chí Bích, Vạn trưởng Ban Vạn ngư nghiệp, cho biết, lễ hội được tổ chức vào ngày 10.4, lấy theo ngày được nhận được sắc phong của vua Gia Long cho ông Nam hải Đại tướng quân lục tộc Ngọc Lân.

Lễ chính được tiến hành trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là lễ Rước Ông (còn gọi là lễ Nghinh Ông), lễ An Vị và hát múa Bả Trạo. Ngày thứ hai là lễ Cầu Siêu (phù hộ cho những người không may bị chết trôi). Ngày thứ ba của lễ hội diễn ra Hát án. Sau 3 ngày lễ chính, những ngày sau của Lễ hội Cầu ngư diễn ra khá nhiều chương trình, tiết mục: hát Bội, hát múa Bả Trạo, đua  thuyền cùng với các xã bạn như Cát Minh, Mỹ Thành. Những ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương, rồi ngư dân Cát Khánh đi làm ăn xa ở các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc; thậm chí cả những bạn hàng cung cấp ngư cụ, máy móc cho tàu thuyền ngư dân đang ở các địa phương khác cũng về tham gia lễ hội.

Bà Thái Thị Xuyên, một người con quê Đề Gi, nay là Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tú chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, xuất khẩu ở Đắc Lắc cho biết, dù bận rộn công việc kinh doanh, nhưng hầu như năm nào bà cũng về quê dự lễ hội Cầu Ngư. “Mỗi năm về quê, được thành kính thắp cây hương lạy tạ Ông, thầm nguyện cầu cho những dự định làm ăn được thuận lợi; rồi đánh trống chầu hát bội… Tôi luôn cảm giác như mình chưa bao giờ xa quê hương. Không hẳn là tâm linh, nhưng hình như mọi sở cầu, sở nguyện của tôi được Ông phù hộ, đều xuôi chèo mát mái”.

Một lần về Đề Gi thử nếm gỏi cá mai, dự Lễ hội Cầu Ngư mang đậm chất dân dã nhưng không kém phần trang trọng, hào sảng của người dân Bình Định, tại sao không nhỉ?

- Theo Băng Thanh I (Cà Mau Online)

Rừng Đại tướng

Bây giờ, dù ngồi trên máy bay hay lang bang đường bộ dọc ngang Tây Bắc, người ta luôn bị ngợp trong cảm giác xót xa. Miền rừng núi huyền thoại này đang trọc lóc, trơ khấc, đen nhẻm bởi cây cối bị đốn, đốt nhẵn thín như những cái cằm đàn ông mới... cạo râu!

Bỗng dưng, dưới chân đèo Nhọt, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La hiện ra với ngờm ngợp sương phủ, cây rừng thâm u rợp kín hai bên quốc lộ. Mấy trăm hécta rừng như viên ngọc xanh ngây ngất trước nắng hè thiêu đốt. Ai nấy ngỡ ngàng, khi cửa rừng hiện ra một tấm biển xanh rất to: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Trưởng bản Nhọt 1, xã Gia Phù, tên là Đinh Văn Huy. Mới 45 tuổi, nhưng anh Huy am hiểu chuyện quê mình, chuyện rừng Đại tướng như một pho sử sống: “Chúng tôi giữ được rừng, là một phần nhờ tài đức, uy danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đấy”.

Cả khu rừng mang tên vị đại tướng lừng lẫy năm châu là một kho báu di sản thiên nhiên của Tây Bắc. Rừng rộng 247ha, trùm lên các ngọn núi cao của đèo Nhọt - từng là nỗi hãi hùng của các tay lái, của khách sơn tràng suốt bao năm.

Lúc nào cũng như là... sẩm tối

Chúng tôi chứng kiến những cây trò, cây sấu, cây sâng đường kính gốc hơn 1m, thậm chí tới 2m. Phần thân, rễ, vè, bành của các tàng cây cuồn cuộn bao quanh cả một rông núi. Con suối trong vắt Bùa trườn trên đá phiến xanh rêu dẫn bước chân khám phá của chúng tôi như lạc vào thế giới rừng già cổ tích, vô cùng vô tận. Suối, rừng là một phần thế giới tâm linh của người Mường đất Phù Bắc Yên. Nó còn là nguồn nước nuôi dưỡng cả một vùng dân cư rộng lớn.

Bao đời nay, bà con bảo vệ khu rừng bao quanh đèo Nhọt như bảo vệ sự sống của mình. Rừng ngăn không cho lũ về, không cho hạn hán tàn phá, rừng giữ các suối nước ăn cho mỗi gia đình được thanh sạch đủ đầy. Quan trọng hơn, rừng còn là tín ngưỡng, là tổ tiên, quê hương của họ. Bà Đinh Thị Yêng (58 tuổi) đeo gùi nhìn lên đỉnh rừng thâm u chằng chịt miên man cây cổ thụ, mà rằng: Tôi đi hái rau lợn, thấy con gì chạy chạy lại cứ tưởng con chó nhà mình đi theo chủ như mọi khi. Thế rồi cái sừng nó thò lên như con gà trống khổng lồ ngơ ngác, ôi, con hoẵng. Con gì kêu loạn xạ mà bỏ chạy, nó là con cầy.

Trước đây, tôi chứng kiến có kẻ kiêu ngạo còn đi săn rồi khiêng cả con hổ vằn vện về nhà họ. Bản này có hai ông đi săn, đụng vào ổ gấu mới đẻ, cả hai đều bị gấu tát nát mặt, suốt đời sống trong đau khổ. Đó là các ông Đinh Văn Ngàm, Lò Văn Cỏ. Ông Đinh Văn Lừa vác súng kíp đi bắn lợn lòi, bị nó húc cho suýt mất mạng, anh trưởng bản Huy phải đi khiêng “bệnh nhân giết thú rừng” về cứu chữa. Ông Lừa bây giờ vẫn sống ân hận ở gần nhà anh Huy.

Bà Yêng đi rừng và nhiều người đi rừng đều có niềm tin hơi “tín tâm” rằng: Rừng có “chủ” là những vị thần to lớn, hay đi theo giám sát những khách sơn tràng. Ai làm điều ác sẽ bị quả báo. Người bản Nhọt 1 và bản Nhọt 2, các cụ vẫn trân trọng tổ chức lễ cúng rừng. Họ giết trâu bò, bày tiệc, bày ban thờ ra các gốc cây, lạy tứ phương tám hướng rồi chia nhau thụ lộc sơn lâm. Họ thề, hứa là sẽ không bao giờ xâm phạm đến rừng. Vì niềm tin đó nên bà Yêng luôn nỗ lực cùng chồng là ông Đinh Quyết Tiến - nguyên Chủ tịch UBND xã Gia Phù - tham gia phụ trách tổ giữ “rừng Đại tướng” suốt nhiều năm qua.

Bà Yêng bảo, giữ rừng là tự cứu mình. Và còn lý do nữa: “Rừng cấm” thì phải... cấm chặt chứ. Cấm chặt để bảo vệ một “di tích” liên quan đến vị đại tướng tôn kính của tất cả chúng ta. Cả bản này, cả xã này đã hàng trăm lần nghe ông Hoàng Văn Ưu kể chuyện rồi, ai mà chẳng hiểu. Trước trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để đánh đuổi thực dân Pháp, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đoàn quân hùng tráng có đi qua đèo Nhọt này để chuẩn bị cho chiến dịch lớn trên lòng chảo Mường Thanh. Ông nghỉ ở đây khá lâu.

Lễ tuyển mộ “lính Cụ Hồ” diễn ra thiêng liêng ở Gia Phù. Ông Ưu kể rất sinh động: Trai tráng chen nhau xin được lên đường cứu nước, diệt thù. Đại tướng cho tất cả đứng xếp hàng, ai lớn hơn thì chọn trước. Đến lượt ông Ưu, Đại tướng bảo, cháu còn ít tuổi quá, chịu khó học tập rèn luyện, đợi đến đợt tuyển quân sau nhé. “Rừng lúc bấy giờ dày hơn bây giờ nhiều, lúc nào vào rừng, cũng mù mịt như là trời đang ở giữa lúc sẩm tối ấy - một người già ở bản Nhọt 1 mô tả - Đại tướng khuyên bà con cần biết giữ rừng, sau này tôi đọc sách mới biết là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Vẫn vui với 3 triệu/năm, để giữ hơn 100ha rừng!

Nhớ lời dạy của Đại tướng, người ta đã cắm biển “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” và kiên quyết bảo vệ rừng già đèo Nhọt đến hôm nay. Tuy nhiên, hành trình tử tế với thiên nhiên còn gian nan lắm. Từ thượng cổ, bà con vẫn có tín ngưỡng cúng rừng, lời thề giữ rừng. Nhưng rồi rừng vẫn bị phá. Buồn thay, người phá rừng lại chính là... cán bộ.

Người ta làm cột điện, bắc điện cho bản làng. Họ lợi dụng phá rừng. Người ta mở đường to hơn, trải nhựa có vẻ phẳng hơn, dọn hành lang hai bên lối đi, họ cũng “mượn gió bẻ măng” rất tàn bạo. Những cây chò to, cây sấu to bị chết, bị lâm trường cho khai thác vô tội vạ. Anh Huy bảo, bà con ức lắm, buồn lắm, kẻ xấu nghĩ ra đủ mọi lý do để khiêng gỗ ra khỏi rừng. Bà con kiến nghị, tố cáo những kẻ làm ác với rừng. Thế là thậm chí kiểm lâm phụ trách địa bàn là anh Lễ, anh Hoàng hồi đó (năm 1996) còn bị kỷ luật, truy tố. Bởi “kiểm lâm tiếp tay lâm tặc”.

Sau đó, bà con quyết liệt kiến nghị, rừng quý của dân, của nước, cán bộ không bảo vệ được thì hãy giao cho dân bản Mường chúng tôi “tuần tiễu” loại trừ dần kẻ xấu. Họ chia 247ha rừng già thành 2 khu, chia cho hai đội tuần rừng ở bản Nhọt 1 và bản Nhọt 2 cùng canh giữ. Anh Huy là nhóm trưởng một nhóm với các thành viên vạm vỡ người Mường gồm: Đinh Văn Hà, Đinh Văn Quý, Đinh Văn Huấn. Nhóm kia do anh Đinh Văn Són phụ trách.

Đều đặn họ vào rừng, đi khắp các lối mòn, kiểm tra, bắt giữ cả những người hái củi, chặt củi khô. Họ sợ nhất là người Mông ở trên núi cao, họ vào đẵn gỗ dựng các công trình lớn của họ. Sợ nữa là các nhóm lâm tặc muốn làm giàu từ kho tàng gỗ quý hiếm hoi còn sót lại của Tây Bắc này. “Tết của người Mường, người Kinh không trùng với tết của một số dân tộc khác. Họ hay lợi dụng lúc mình chúc tụng, tiệc tùng vài chén rượu du xuân... để vào rừng phá. Vì thế, chúng tôi tăng cường “tuần tiễu” vào những ngày tết, lễ. Khi bà con được nghỉ là chúng tôi lại phải vào rừng” - anh Huy tiết lộ.

Cái khó nhất của bí kíp giữ được bảo tàng sinh thái xanh tươi rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - theo các thành viên bản Nhọt 1 - chính là cái tâm của người sống với thiên nhiên. Nếu thật sự anh muốn bảo vệ rừng, thì không có gì là khó cả. Không cần súng, dùi cui hay công cụ hỗ trợ nào, chỉ một con dao phát nương, họ cứ đi tuần. Gặp kẻ xấu họ tuyên truyền nhẹ nhàng. Họ tịch thu tang vật gỗ lạt, củi đuốc, tịch thu phương tiện vi phạm - dao, gùi, rìu, trâu kéo.

Họ bảo kẻ vi phạm lâm luật: Tôi cũng là người Mường, tổ tiên tôi cũng bao đời ở nơi này, rừng đây là “rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, Nhà nước đã cắm biển ngoài kia. Anh có kính trọng Đại tướng không, mà anh nỡ phá rừng này? Tôi không bắt giữ anh, vì anh vi phạm lần đầu. Nay, tôi thu rìu, dao của anh, rồi anh xuống nhà tôi, ta uống chén rượu nói chuyện tiếp. “Tôi giữ rất nhiều củi, nhiều rìu và dao ở đây. Ai đến là tôi trả lại, họ đã uống rượu, nghe tôi nói về rừng. Rồi họ cầm dao búa về. Tôi theo dõi, tuyệt nhiên không thấy ai vi phạm nữa. Có nhiều người còn xấu hổ không dám đến lấy “tang vật” về. Người đó càng không bao giờ vi phạm nữa. Bởi họ hiểu tấm lòng của mình với rừng!” - giọng anh Huy xúc động.

Họ tình nguyện xả thân giữ rừng thiêng. Gần đây, Nhà nước có chính sách, cho mỗi thành viên 3 triệu đồng/năm, để đều đặn ăn rừng ngủ thác, bảo vệ an toàn cho hàng trăm hécta rừng già!
Với “rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” ở Phù Yên, bà con kính yêu người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì đã đành, cái đáng xúc động không kém là tấm tình của người Mường bản xứ với các cánh rừng quý báu. Họ đã nghĩ một cách mộc mạc, chân tình nhất với rừng, họ giữ rừng bằng cái cách thật giản dị, nhưng sự giản dị đó đã khiến rừng được bảo vệ tuyệt đối.

Ngẫm các hoạt cảnh rừng bị tàn phá thê lương ngay trước mũi kiểm lâm, rồi các trạm gác tối tân liên ngành vẫn để con voi chui lọt lỗ kim vô lý nhất đã hằng diễn ra mà thấy chua xót. Đơn giản, ở các trạm gác “chính quy” kia, đang thiếu sự thật thà như ở rừng Đại tướng. Bà con bảo, muốn giữ được rừng thì phải thật thà.

- Theo Băng Thanh I (Cà Mau Online)

Du lịch "bụi" Cà Mau

Đặt chân lên mảnh đất cuối trời Tổ quốc, bạn sẽ thích thú khi len lỏi vào rừng, đi bắt ốc len, bắt ba khía, đục hàu. Thú vị hơn là thuê hẳn một chiếc thuyền ra biển để tận mắt nhìn rõ những miệng lưới vèo cá, và tham gia câu cá cùng người dân địa phương.

Du lịch "bụi" là loại hình du lịch không còn quá xa lạ với những bạn trẻ thích khám phá hiện nay. "Không tour, không hướng dẫn viên, không xe hơi, không khách sạn", những "phượt thủ" có thể tự lập ra chương trình tour hấp dẫn riêng.

Vác ba lô rong ruổi khắp nơi để được đắm mình trong không gian trong trẻo của thiên nhiên, để được nhìn ngắm và cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của mình. Theo đó là những trải nghiệm thực tế, những thử thách bản thân, là sự tích góp kỹ năng sống.

“Nhanh - gọn - nhẹ" là chuẩn cho một chuyến "đi phượt". Bởi lẽ, hành lý chỉ đơn giản vài bộ quần áo, một ít đồ dùng cá nhân, thực phẩm, thuốc thang, vật dụng đa năng, giấy tờ tùy thân, máy ảnh được xếp gọn trong chiếc ba lô. Hưởng ứng lời "hiệu triệu" của nhóm cùng sở thích đi du lịch là lên ngay kế hoạch, lịch trình riêng, xe máy sẵn sàng và bắt đầu chuyến du ngoạn thú vị, hấp dẫn.

Nhiều trải nghiệm thú vị

Chỉ cần thuê một chiếc ca-nô đánh một lèo tới Mũi Cà Mau là bạn có thể thỏa sức cảm nhận hương nồng của vị phù sa nơi cực Nam Tổ quốc, ngắm nhìn những căn nhà sàn nằm chông chênh trên những chiếc cọc, hay những hàng mắm, chang đước thẳng tấp xanh ngút ngàn đong đưa theo gió.

Cảm giác được lướt như gió trên sông nước thỉnh thoảng chao mình uốn lượn qua những ngã sông chắc hẳn sẽ đọng lại trong lòng bạn nhiều điều thú vị. Nếu không có điều kiện thuê ca-nô, bạn có thể chọn cách theo những chiếc cao tốc để đến với Đất Mũi.

Đặt chân lên mảnh đất cuối trời Tổ quốc, bạn sẽ thích thú khi len lỏi vào rừng, đi bắt ốc len, bắt ba khía, đục hàu. Thú vị hơn là thuê hẳn một chiếc thuyền ra biển để tận mắt nhìn rõ những miệng lưới vèo cá, và tham gia câu cá cùng người dân địa phương.

Chờ đúng con nước, theo chân các anh, các chú khám phá cảnh sạc sò. Tối đến, xin nghỉ đêm tại nhà dân xứ biển. Những căn nhà sàn lót ván đước bóng hới, nhà không có cửa, gió lộng mát rượi, bạn có thể ngồi nhâm nhi với các anh, các chú vài ba cốc rượu nghe đờn ca tài tử của những ngón đờn nghiệp dư. Tin rằng sẽ mang lại cho dân "phượt" cảm xúc lắng đọng từ những câu hò, giọng hát đượm tình dân quê Cà Mau.

Cảm nhận hương vị rừng tràm

Điểm đến hấp dẫn tiếp theo mà những bạn trẻ du lịch "bụi" không thể bỏ qua, đó là Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Xe bon bon băng qua những con đường quanh co, hai bên đường một màu xanh mướt của ruộng vườn và xa xa là bóng của những dải rừng tràm thâm u. Bạn sẽ cảm nhận cuộc sống dân dã của người dân thật êm ả và thanh bình. Đây là lúc bạn có thể bấm máy liên tục ghi lại những hình ảnh giản dị của vùng quê này.

Len lỏi sâu vào rừng, trên những kinh rạch dài hút mắt đầy bèo và lục bình, ngắm nhìn lau sậy ngút ngàn điểm xuyến những chùm hoa mua tím thơ mộng, bạn như được thả hồn để cảm nhận và hít thở không khí trong lành đậm hương rừng. Lên đài quan sát, bạn hãy phóng tầm mắt quan sát cánh rừng bạt ngàn, nơi lý tưởng cho các loài chim muông, thú rừng, cá đồng trú ngụ và sinh sôi nẩy nở.

Nếu là dân "phượt" thứ thiệt, bạn có thể tham gia ngay chuyến thám hiểm sâu bên trong rừng bằng chiếc vỏ lãi của người dân để được tham gia chụp đìa bắt cá: rô, trê, lóc, sặt bổi, hay giăng lưới, gác kèo ong…

Đến U Minh phải thưởng thức thêm các món ăn đồng quê qua cách chế biến độc đáo từ những sản vật của rừng U Minh như: lẩu mắm, cá rô kho trái giác, đọt choại luộc chấm mắm, khô cá bổi… Nghỉ đêm ở rừng U Minh thêm hấp dẫn với trải nghiệm câu ca "muỗi kêu như sáo thổi...".

Du lịch "bụi" Cà Mau còn rất nhiều địa điểm thú vị bạn không thể bỏ qua như: khám phá vườn chim Tư Na (Năm Căn), Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, Hòn Đá Bạc, đầm Thị Tường... Bạn sẽ có những khoảnh khắc thú vị để hiểu hơn về vùng đất Cà Mau nhiều giai thoại và giàu sản vật.

- Theo Băng Thanh I (Cà Mau Online)

Giong thuyền ra cực Đông

Bốn cực và một đỉnh là những mục tiêu chinh phục trên đất Việt của nhiều người thích mạo hiểm. Đỉnh Phanxipăng và cực Bắc ở Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây ở Apachải (Điện Biên) không ai tranh cãi. Cực Nam đang nảy sinh tranh luận trên các diễn đàn về vị trí của điểm “số 1”, vì đất bồi ngày càng dài ra, và đã chinh phục thì cứ phải đúng điểm cực Nam theo GPS (hệ thống định vị toàn cầu) mới chịu.

Trong bốn cực ấy, vị trí điểm cực Đông là tranh cãi nhiều nhất. Các “chỉ điểm” cho hải đăng Đại Lãnh và điểm mốc ở đó là cực Đông của Việt Nam bị “đập” te tua. Và mọi người bây giờ nhất trí Hòn Đôi ở bán đảo Hòn Gốm mới là cực Đông thứ thiệt, sau khi nhiều đoàn người đi bụi so đo nhau những bức ảnh ghi lại điểm đến bằng GPS. Thời buổi công nghệ cao, không cãi nhau bằng cảm tính hay bản đồ nữa.

< Bình minh trên cực Đông.

Lập luận về việc chỉ tính các cực trên đất liền cũng lại thua. Hòn Đôi, dù trông như đảo, nhưng theo cách tính về thềm lục địa, lại có “chân” gắn với đất liền, mỗi khi thủy triều xuống thấp, nó lại là… đất liền.

Thế nên, cuộc tìm kiếm và chinh phục cực Đông bây giờ quay qua bán đảo Hòn Gốm, ra đảo Hòn Đôi, nhưng vẫn không quên ghé cả Đại Lãnh. Ngọn hải đăng và bãi biển Đại Lãnh vẫn là nơi trú quân cho những chuyến đi về cực Đông bởi cảnh đẹp, vị trí quan sát trên cao, nơi có thể đón ánh bình minh đầu tiên từ xa chiếu vào Tổ quốc.

< Đầm Môn 0km.

Từ Sài Gòn theo quốc lộ 1A, qua Nha Trang rồi vượt qua đỉnh đèo Cả không xa là ngã ba rẽ phải vào cảng Vũng Rô.

Một làng chài đơn sơ nằm uốn quanh bãi tàu cá là thị tứ cuối cùng. Vượt qua ngọn đồi là mũi Đại Lãnh đua ra biển, với hai hàng núi chạy quặp như hai cánh tay ôm lấy bãi tắm nhỏ toàn cát mịn. Trên mỏm núi nhìn ra biển, ngọn hải đăng chắc nịch ngự trị, soi mắt ra biển Đông…

< Cua Huỳnh Đế tại quán ông Mười.

Dưới chân ngọn núi ấy, có một túp nhà ẩn trong bóng cây, với một gia đình duy nhất, nhà ông Mười. Ông là người nổi tiếng với dân trên mạng, và ai đến đây cũng gọi, cũng nhờ. Ông cứ như là trạm trưởng du lịch kiêm hướng dẫn viên, tư vấn viên, và chức năng nhiệm vụ chính là giữ xe, nấu cơm, chuẩn bị món nhậu… tùy yêu cầu của khách. Không đặt trước thì không có. Từ tôm, cua, cá đến bánh mì, rau cỏ... tất thảy phải đặt trước nếu không muốn phải lội ngược ra chân đèo Cả…

Tắm biển, ăn uống ở nhà ông Mười đến tối mịt, ông cầm đèn pin dẫn chúng tôi lên hải đăng “bàn giao” cho anh em gác đèn biển. Ông Thắng, “giám đốc” cây đèn biển này cũng nổi tiếng trên mạng, có lẽ vì các câu chuyện đêm khuya với khách lên thăm. Nào chuyện đời, chuyện nghề, chuyện trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống, cải tạo môi trường…

Một đêm sống cảnh người gác đèn biển cũng là một cảm giác thú vị. Nhưng cái thú vị nhất là 4 giờ rưỡi sáng hôm sau leo lên ngọn cây đèn biển này chờ đợi những tia sáng đầu tiên xuất hiện xua dần đêm tối. Trăng, sao vẫn còn lay lắt, dần nhường chỗ cho những tia bình minh hé hắt, tím ngắt cục cựa, oằn đỏ vàng, rồi vùng dậy bừng sáng, chói lòa…

< Đường vào Đầm Môn qua những cồn cát trắng.

Ngược trở lại Vũng Rô, vượt đèo Cả về phía Nam có một ngã ba lớn, đường nhựa thẳng tắp, rồi uốn theo những triền cát trắng mênh mông. Thẳng con đường này 22km là tới Đầm Môn, cũng là một làng chài đơn sơ, đường quê cát mịn.

< Hòn Đôi hiện ra trước mũi thuyền.

Dịch vụ đang hình thành như một ngành kinh tế ở làng cực đông này, có lẽ do ngày càng có nhiều người tới đây. Nào quán ăn, nào đổ xăng, giữ xe, nào thuê tàu…

Chẳng qua cũng chỉ là cái máu mê chinh phục và cái thú đặt chân lên các cực của Tổ quốc mà nhiều người đến đây chứ Hòn Đôi cũng chỉ là một đảo đá nhỏ, gần như hoang vắng. Nhưng rõ là có hoạt động của con người. Nào cờ, nào những chiếc thang chĩa vào các cửa hang, có lẽ để lấy tổ yến, nào những cái chòi canh, quan sát…

< Mốc tọa độ dưới chân hải đăng Đại Lãnh.

Tàu thuyền chỉ có thể đảo vòng quanh, khách không được đổ bộ lên đảo. Những hàng chữ viết nguệch ngoạc bằng sơn trên các phiến đá quanh đảo nhắc nhở như vậy. Mấy chiếc tàu cao tốc của biên phòng neo dưới các chòi và các bác tài công dường như cũng được quán triệt như thế.

Thôi thì đảo vòng quanh ngắm nghía hòn đất cực đông Tổ quốc. Những hòn đá to tổ chảng tự nhiên sắp thành những hình ngộ nghĩnh. Nào hải cẩu, nào bò, cả hình người đứng gác, cứ như có bàn tay ai đó sắp đặt. Những phiến đá to xếp chồng lên nhau, cứ như bung biêng trước sóng gió…

Thuê nguyên một chiếc tàu để ra Hòn Đôi mất 800.000 đồng đến một triệu đồng và đi về phải mất năm tiếng đồng hồ. Gần nhà nhưng xa ngõ, nhìn thấy Hòn Đôi ngay trước mắt đấy mà chạy hoài không tới. Bác tài công giải thích đường thủy phải tính toán chạy theo dòng nước thế nào đó, phải đi vòng vòng, lúc chạy lúc thả dập dồn với sóng mới tới được.

Nhưng đó cũng là thời gian để ngắm con đường biển như đại lộ mênh mông, nước xanh biếc thẳng tắp dẫn ra biển. Trên đại lộ ấy, ngư dân tấp nập đi lại. Nắng chiều xuống, những con tàu nối đuôi lao ra biển câu mực đêm, dần sáng đèn nê ông.

Hòn Đôi là điểm cực đông trên đất liền, cái mũi nhô ra nhất. Từ điểm này nhìn ra xa ngoài khơi còn một huyện nữa: huyện đảo Trường Sa.

- Theo Trương Văn, ảnh W.H (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Tuesday, June 12, 2012

Triễn lãm và tranh luận ảnh phụ nữ xưa...

Thiếu nữ Đà Lạt xưa ở trần trong đời thường...

Những bức ảnh "độc" về thiếu nữ người Lạch xưa sống ở trần tại vùng đất Đà Lạt ngày nay đã được nhà nhiếp ảnh nghiệp dư Lê Phỉ (82 tuổi, hiện trú tại đường Hai Bà Trưng, TP Đà Lạt) ghi lại với những khoảnh khắc rất đời thường cách đây tròn 60 năm.

< Bên mái hiên nhà...

Theo cụ Phỉ, thời đó người Lạch - một tộc người có mặt đầu tiên ở Đà Lạt - vẫn còn sinh sống ở những vùng ven Trung tâm TP Đà Lạt ngày nay. Hằng ngày, họ vào rừng săn bắn, kiếm củi gùi ra trung tâm TP Đà Lạt bán cho người Kinh lấy tiền mua thực phẩm.

Tây nguyên huyền diệu
Tư liệu ảnh quý về Tây nguyên ngày xưa

< Theo điệu kèn bầu...


< Theo cụ Lê Phỉ, người Lạch ở Đà Lạt xưa kia xem việc không mặc áo là bình thường.

Thời điểm này, những chàng trai, cô gái người Lạch coi chuyện không mặc quần áo là điều bình thường, họ thả sức ngắm nhìn cơ thể gợi cảm của nhau, trai gái yêu nhau thường ra rừng tâm sự, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện “ăn cơm trước kẻng”.

< Một thiếu nữ tỏ ra e ngại trước ống kính máy ảnh, vội vã bỏ chạy khỏi dòng suối đang tắm (Không hẳn họ e ngại vì bị chụp ảnh - cái sợ ngày ấy do quan niệm máy ảnh có thể 'bắt hồn').

Vào mỗi buổi chiều, trên đầu nguồn con suối Lạch dẫn về hồ Xuân Hương ngày nay lại nhộn nhịp tiếng cười đùa, trêu chọc của những thiếu nữ, chàng trai. Họ khỏa thân tắm chung hồn nhiên như những đưa trẻ lên 3 mà không phút bận tâm chuyện mình đang không một mảnh vài che thân.

< Cô gái nhỏ ở trần ngồi dệt lụa và rất tự tin trước ống kính. Cụ Phỉ cho biết, bức hình này cụ chụp tại một gia đình thuộc ngoại ô Đà Lạt vào sau năm 1954.

< Một phụ nữ tai căng tròn, đang địu con (cháu) trên lưng được cụ Phỉ chụp tại khu vực giáp ranh giữa TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương ngày nay.

< Chàng trai người Lạch đeo khuyên tai, cầm tẩu hút thuốc trông dáng vóc uy nghi như một tù trưởng được miêu tả trong các sử thi Tây Nguyên.

< Thời bấy giờ, nam nữ người Lạch đều có một tẩu hút thuốc.

< Một con voi đưa người qua suối Lạch về bản.

Tranh luận về ảnh khỏa thân thời Pháp thuộc

“Chất lượng ảnh đã giảm sút do bị chụp lại nhiều lần, song những gì còn lại vẫn cho thấy bản gốc rất đẹp” - nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo nói về những bức ảnh nude thời Pháp thuộc.

Không phải nhân học hình ảnh

Những bức ảnh phụ nữ Việt khỏa thân này nằm trong số hàng nghìn bức ảnh về Việt Nam dưới thời Pháp thuộc của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils (1862-1937).

Sau đó, chúng được nhà sưu tập bưu ảnh nổi tiếng người Pháp Philippe Chaplain mua và lưu giữ. Ông Philippe Chaplain đã cho Tạp chí Xưa và Nay mượn bộ sưu tập của mình.

Theo quan điểm của ông Hữu Bảo, những bức hình đó rất chuẩn về bố cục lẫn ánh sáng, đường nét, đồng thời sinh động. Các ảnh này đã được trưng bày trong triển lãm Để hiểu hơn về một Hà Nội xưa do Tạp chí Xưa và Nay phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức hồi đầu năm 2010.

Tuy nhiên, những ảnh nude này cũng gây tranh cãi. Những tranh luận về nhóm ảnh khỏa thân chủ yếu xoay quanh việc các nhân vật trong ảnh liệu có bị ép buộc cởi đồ để chụp những bức hình hở hang như thế hay không.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng đó là những tấm hình dàn dựng phi thực tế trong chủ ý dã tâm của người Pháp. Người dân do đó phải tuân thủ mệnh lệnh “bắt cởi phải cởi, bắt chết phải chết” của chủ.

Ý kiến ngược lại cho rằng những bức ảnh đó chỉ là tác phẩm của những người muốn Á Đông hóa, An Nam hóa đề tài nude - một đề tài mỹ thuật hàn lâm vốn luôn được mến chuộng. Bố cục của các tác phẩm cũng được phân tích là quen thuộc và nhan nhản trong nghệ thuật cổ điển. TS Đào Thế Đức - thư ký tòa soạn Tạp chí Xưa và Nay, nói: “Giờ đây, nếu nhìn tổng thể những bức ảnh đó, chúng ta cũng không thể nói đích xác chúng được bố trí hay không và bố trí đến đâu”.

Tuy nhiên, theo TS Đức, đó chắc chắn không phải là những tư liệu nhân học hình ảnh. Ông cho biết: “Nhân học hình ảnh phải do người dân tự thể hiện. Nhờ đó, những bức ảnh, thước phim cho thấy rõ người dân thực sự muốn thể hiện mình ra sao. Nó hoàn toàn không phải cái nhìn của người ngoài cuộc. Trong khi điều thấy rõ trong những bức ảnh này chính là cái nhìn của phương Tây về phương Đông. Qua cái nhìn đó, phương Đông trở nên hơi kỳ quặc, lạ lẫm, thậm chí có phần nào lạc hậu”.

TS Đức cho rằng những tác phẩm này không chỉ không do người dân tự chụp mà còn ít khả năng do người Việt chụp. Nó chính là những bức ảnh do người Pháp chụp với tinh thần Tây phương dễ nhận thấy. “Thời đó, chắc chỉ có mấy ông Tây mới bắt đàn bà con gái lột trần ra chụp ảnh như vậy thôi”.

Hoàn toàn không gợi dục

Song, điều kỳ lạ là những bức nude trên hoàn toàn không có tính gợi dục. “Tôi đã nói chuyện với một số người trong triển lãm, nhưng không ai cho rằng những tác phẩm này dung tục cả”, ông Hữu Bảo cho biết. Tuy nhiên, những tạo hình khó có thể coi là như trong cuộc sống thông thường. Một người mẫu gánh nước nhưng yếm lại trật ra hở ngực. Mấy phụ nữ cùng ngồi quanh tẩu thuốc và cũng hở ngực một cách lạ thường.

Bản thân TS Đào Thế Đức cũng khá ngạc nhiên vì sự “cởi trói” của những mẫu nữ trong khuôn hình. “Chúng ta có văn hóa phồn thực. Nhưng sự phồn thực này nằm trong các nghi lễ, mà phần nhiều được nhà nghiên cứu Toan Ánh ghi lại thành sách. Tuy nhiên, nếu ngoài nghi lễ phồn thực thì mọi chuyện lại rất khe khắt. Chính vì thế, nếu người phụ nữ có thai sau lễ hội phồn thực làng La thì không sao, thậm chí còn được coi là may mắn. Nhưng nếu bình thường, người phụ nữ đó chắc chắn khó thoát khỏi hình phạt gọt đầu bôi vôi”.

Một vài khuôn mặt lặp lại của thiếu nữ nude tại một số bức ảnh dạng tư liệu khác khiến nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo nghĩ đến việc đây chính là người mẫu. Tuy nhiên, tại sao họ lại dám chụp những bức ảnh không có điểm gì chung với Nho giáo như vậy, điều này cũng còn bí ẩn. Nhưng dù sao đi nữa, những ảnh nude này vẫn mang giá trị tư liệu đặc biệt. Nhất là khi chúng còn được người Pháp dùng làm bưu thiếp - một phương tiện truyền tải thông tin, quảng bá nghệ thuật và tuyên truyền tư tưởng vào thời thuộc địa.

“Rõ ràng đây là những hình tư liệu quý. Giờ đây, điều dễ thấy nhất là về nhân chủng học người Việt đã thay đổi quá nhiều”, ông Hữu Bảo đánh giá. Cũng theo nhiếp ảnh gia này, “trong những bức hình nude thời đó những khuôn mặt người Việt to và bè hơn chứ không thanh thoát như bây giờ. Ở một vài khuôn hình, chúng ta còn thấy khuôn mặt họ hơi nhô ra và có nét gãy. Căn cứ vào các đồ vật để so sánh, chiều cao của họ cũng chỉ khoảng 1 m 50.

Rõ ràng nếu đặt trong tương quan với chúng ta bây giờ, những bức nude này cho thấy sự khác biệt thú vị. Và cũng vì thế, tôi rất thích cách thể hiện của tác phẩm. Bằng cách chọn những phụ nữ rất dung dị, họ không vệ nữ hóa ảnh nude mà chọn cách thể hiện đúng người Việt, theo tinh thần Việt, theo đúng tỷ lệ của người Việt. Đây chính là cách mà danh họa Nguyễn Phan Chánh vẽ Tiên Dung - Chử Đồng Tử sau này. Nếu nói đến eo thon, tỷ lệ vàng thì không phải. Nhưng toàn bộ tác phẩm nói lên được một tinh thần Việt Nam và dễ được chấp nhận”.

Trong những bức ảnh đó, các thiếu nữ nhìn thẳng không e ngại. Nhưng họ cũng không hề có các tạo dáng khó, phô diễn đường cong lựa theo ánh sáng. Chúng gợi một cảm giác mộc mạc, chân phương, dễ mến. “Đây là phong cách chụp rất phổ biến của những bức ảnh nude chụp vào thế kỷ 19”, nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú - cũng là người đã theo học nhiếp ảnh tại Hà Lan trong 2 năm, cho biết.

- Tổng hợp từ Khắc Lịch (Bee), Trinh Nguyễn (báo Thanhnien) và nhiều nguồn ảnh cổ khác.

Cứu thác Drai Dlông

Đa phần các thác thường bị xâm hại do thủy điện chặn dòng. Vậy nhưng trong trường hợp này thì thác bị tàn phá do chính người dân phá rừng làm rẫy. 

Người hưởng lợi sẽ có vài trăm héc ta đất trống, còn người chịu thiệt là toàn dân địa phương, họ sẽ mất đi vĩnh viễn nếu không biết gìn giữ một thắng cảnh đẹp mà phải mất hàng bao nhiêu ngàn năm: thiên nhiên mới tạo ra được.

Thác Dray Dlông hay còn gọi là Thác Cao (chảy qua ranh giới xã Ea M’dróh và xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) là một tặng vật vô giá mà bà mẹ thiên nhiên ban tặng cho cho mảnh đất Eamdroh. Đây là một thác nước cao 30m với hai dòng suối đổ vào nhau, bị đá chắn lại chia thành 3 dòng trải dài như 3 dải lụa trắng dội mạnh xuống chân thác ầm ầm suốt ngày đêm rồi cuối cùng nhập thành dòng chảy về phía vùng trũng buôn Cháy.

< Thày cô và các em học sinh xuống thác vệ sinh thác.

Ngày 15/12/2004, Thác Drai Dlông đã được nhà nước công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Nhưng từ đó đến nay, do bị bỏ hoang nên ngọn thác này chỉ là một thắng cảnh chết với một dòng chảy đang dần khô cạn và hệ sinh thái gần như kiệt quệ dưới bàn tay tàn phá khốc liệt của con người.

Từ trung tâm TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi vượt quãng đường 35km mới đến được thác Drai Dlông. Đây là nơi gặp nhau của hai con suối Ea M’dróh (con suối lớn) và Ea M’drách (suối nhỏ). Từ trên độ cao 30m, hai dòng suối đổ vào nhau, bị đá chắn lại chia thành 3 dòng trải dài như 3 dải lụa trắng chảy xuống hồ nước dưới chân thác ngày đêm. Nước đổ tạo thành những hạt nước dội tung, bắn lên tạo thành những làn khói trắng lung linh huyền ảo. Từ dưới nhìn lên thấy ngọn thác cao với, lấp lánh bạc. Xung quanh là cánh rừng nguyên sinh với đủ các loại cây rừng mọc trên đá, trong đó có nhiều loại gỗ quý như sao, hương, cà chít, bằng lăng tím. Gần chân thác cũng có một khoảnh rừng tre và le rừng...

< Chỉ mới sáng nhưng cũng khá nóng rồi.

Vậy nhưng ngay khi còn cách chân thác khoảng 5km, một số người dân tỏ ra ngạc nhiên khi nghe chúng tôi hỏi đường vào thác: Vào đó làm gì, còn gì đâu mà vào? Càng vào gần đến nơi, chúng tôi càng thất vọng bởi hai bên đường rẫy cà phê, bắp, tiêu… mỗi lúc một nhiều hơn, kéo dài vào đến tận chân thác và chỉ dừng lại khi còn cách mép nước 15m.

Khu rừng nguyên sinh xung quanh bị chặt nham nhở và gần như trơ trụi. Ngay tại đỉnh thác, người ta đã chặn dòng, đặt máy bơm hút nước tưới cà phê làm cho dòng nước nơi đây gần như cạn kiệt, chỉ còn trơ ra bãi đá. Không còn nước, ngọn thác Drai Dlông chỉ còn lại hai dòng nước nhỏ chảy từ trên đỉnh xuống một cách buồn thảm.

< Các bạn chia nhau: người dọn chổ này, kẻ thu nhặt chổ khác...

Kinh khủng hơn: trên đỉnh thác là vô số những chai, lọ, bao bì thuốc trừ sâu, diệt rầy đủ loại vương vãi đầy các kẽ khe. Từ đỉnh thác nhìn xuống có thể thấy hết được sự tàn phá khốc liệt của con người đối với thắng cảnh này. Không còn sao, hương và cà chít, thậm chí cả rừng le bạt ngàn lúc trước cũng bị chặt, đốt trơ trọi. Tất cả những gì Drai Dlông còn giữ được chỉ là một bãi đá khô cằn…

Chị Trần Thị Ngọc Mai (SN 1972, ở thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp) trước kia từng buôn bán trong khu vực thác cho biết: “Trước đây, thác Drai Dlông đẹp lắm, năm nào du khách kéo đến cũng nhiều. Nhưng khoảng 7-8 năm trở lại đây, người ta phá dữ quá nên thác cạn dần”.


< Tít trong kia còn rác kìa...

Ông Ngô Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp, cho biết: Thác Drai Dlông nằm giáp ranh giữa 2 xã Quảng Hiệp và Ea M’dróh nên việc quản lý rất khó khăn. Những năm gần đây, đồng bào các nơi di cư tự do vào đây khai thác rừng bừa bãi, lấn chiếm đến tận chân thác để làm nương rẫy. Hiện nay, huyện đã giao đất trồng rừng được 5ha ở khu vực xung quanh chân thác.

Sắp tới, huyện cũng sẽ triển khai xây đập nước, lập phương án bảo vệ, trồng thêm rừng tái sinh và hàng loạt các dự án để biến Drai Dlông thành khu du lịch lý tưởng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này hiện vẫn còn “đang nằm trên…giấy vì chưa có nhà đầu tư”. Còn ông Y Ben, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích Đắc Lắc, lý giải: “Nguyên nhân thác Drai Dlong hoang phế là do từ khi được công nhận danh thắng cấp quốc gia, việc quản lý và bảo vệ thác không được giao cho một cấp nào cụ thể, dẫn đến việc “cha chung không ai khóc”.


< Mấy chai thuốc trừ sâu này độc hại lắm nghen...

Không riêng gì Drai Dlông, nhiều thác đẹp khác của Đắc Lắc được công nhận danh thắng cấp quốc gia như Gia Long, Drai Nu, Drai Kpơr… cũng đang dần hoang phế. Nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời, những dòng thác này có nguy cơ bị xóa sổ khỏi danh sách những danh thắng quốc gia trong một ngày không xa.

Vậy nhưng hồi tháng 5 năm 2012, nhận được công văn số 46 / CV –PGDĐT về việc phân công chăm sóc di tích Lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia: BGH Trường THCS Phan Đình Phùng đã tổ chức họp xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể và tổ chức cho học sinh và giáo viên tham gia bảo vệ và chăm sóc khu Di tích lịch sử này.


< Rác khó phân hủy được gom lại một chổ rồi chôn.

Sáng ngày 15/5/2012 thầy và trò Trường đã tổ chức tham quan và chăm sóc khu Di tích theo sự phân công. Mới 8 giờ 30 sáng mà người ta đã cảm nhận được cái nắng, cái gió của khí hậu Tây Nguyên lúc giao mùa. Công việc các em là phải tìm các vỏ chai thuốc trừ sâu, diệt cỏ gom lại khỏi ô nhiễm, khá khó khăn vất vả bởi rác nằm ở tất cả mọi nơi nguy hiểm hơn chai lọ thuốc trừ sâu, vương vãi đầy. Những em học sinh mặt đỏ ửng, trán lấm tấm mồ hôi nhưng nét mặt ai cũng vui tươi rạng rỡ vì các em ý thức được việc mình làm, niềm vui đó đã quên đi cái nắng, cái nóng của núi rừng Tây nguyên.

Từ đỉnh thác nhìn xuống có thể thấy hết được sự tàn phá khốc liệt của con người đối với thắng cảnh này. Không còn sao, hương và cà chít, thậm chí cả rừng le bạt ngàn lúc trước cũng bị chặt, đốt trơ trọi, không còn thơ mộng như khoảng 10 năm về trước. Tất cả những gì mà Dray Dlông còn giữ được chỉ là một bãi đá khô cằn và dáng vẻ hùng vĩ của một thời mà thôi.


< Xong việc rồi, chụp tấm ảnh kỷ niệm nghen.

Tuy bị tàn phá như thế nhưng thác Dray Dlông không mất đi hết vẻ đẹp thơ mộng vốn có. Nếu đi men theo hạ nguồn lòng thác có thể cảm nhận cái xanh mát, trong lành hoa cỏ dại... nổi bậc với vài bãi đá lớn đen trũi ấn tượng. Một vài điểm, dòng nước chảy chậm lại, trải rộng thành trũng rồi dần xuôi theo ghềnh đá về phía hạ lưu, nơi nương rẫy đang đợi  nước vào mùa khô.

Hai bên dòng thác, dưới các tán, bụi cây, học trò túm tụm chuyện trò, tận hưởng cái mát lạnh đầy hơi nước từ dòng thác. Từ dưới chân thác nhìn lên thấy ngọn thác cao vợi,  lấp lánh bạc.

Không ai bảo ai Thầy trò chúng tôi lại nhanh chóng bắt tay vào công việc ý nghĩa của mình, ai cũng vui vì được tận hưởng cảm giác thoải mái, mát mẻ từ nước đưa lại, vui hơn nữa là các là các em tự có ý thức hướng về cội nguồn với lòng tri ân sâu sắc nhất.

Lang thang xuôi dòng ta cảm nhận được dòng nước trong xanh chảy len qua các ghềnh đá, qua các mảng hoa dại vàng rực rỡ rồi chia nhánh, thả mình cùng gió ở độ cao gần 30 m trước khi nhập thành dòng chảy về phía vùng trũng buôn Cháy. “Tuyệt quá! Hết rác rồi . Hoan hô !” Đó là tiếng reo vang của của những cô cậu học sinh và cả những cái buồn bâng quơ vì không biết tương lai của thác sẽ ra sao. Chúng tôi hy vọng từ đây dòng thác đã được hồi sinh trở lại vì được sự quan tâm chăm sóc của Thầy cô giáo và các em học sinh của Trường THCS Phan Đình Phùng và Trường THCS Ngô Mây, sẽ không còn cảnh “ Cha chung không ai khóc” như hiện nay.

Mời bạn hãy thử một lần đặt chân đến nơi đây cùng bạn bè, gia đình để chiêm ngưởng vẻ đẹp nên thơ của Thác. Hãy quên đi những lo toan của cuộc sống đời thường, hãy thả hồn theo những tiếng du dương trầm bổng bạn sẽ cảm nhận được sức cuốn hút mạnh mẽ của của thiên nhiên nơi đây.

- Tổng hợp từ BaoMoi, web Trường PHCS Phandinhphung Cưmgar